Ngành công nghiệp gỗ và 'cơ hội vàng' khi tham gia EVFTA

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết như vậy, khi trao đổi với phóng viên TBTCO xung quanh cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam khi tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

*PV: Ông có thể cho biết cụ thể về hoạt động thương mại mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) đến nay, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tôn Quyền: EU luôn là thị trường xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam, bởi hầu hết các DN xuất khẩu (XK) sang EU là các DN của người Việt. EU là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam. Giá trị XK sang EU luôn duy trì ổn định và tăng trưởng trong những năm gần đây.

 

NTQ 

Ông Nguyễn Tôn Quyền

Đồng thời, EU là một trong những thị trường chính cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu (NK) từ EU được đánh giá có mức độ rủi ro rất thấp.

Có thể nói, thị trường các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA là khu vực có tiềm năng lâm nghiệp lớn nhất thế giới. Tổng giá trị tiêu dùng đồ gỗ của CPTPP và EU là 215 tỷ USD, chiếm 50% thế giới.

Vì vậy, Việt Nam ký kết tham gia CPTPP và EVFTA là cơ hội vàng cho DN gỗ Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

*PV: Hiệp định EVFTA vừa ký kết, được đánh giá mở ra nhiều triển vọng cho ngành gỗ Việt Nam. Vậy, theo ông, đâu là cơ hội và thách thức lớn nhất đối với ngành gỗ, khi tham gia EVFTA?

- Ông Nguyễn Tôn Quyền: Cơ hội từ EVFTA là ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ XK từ Việt Nam; đồng thời sẽ được giảm giá máy móc thiết bị ngành gỗ nhập khẩu (NK) từ các nước EU. Các DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu NK từ EU.

Đặc biệt, các DN sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghiệp/kỹ thuật cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU NK sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để DN Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình… Khi EVFTA có hiệu lực, việc XK gỗ sẽ bao hàm tất cả khu vực EU. Do đó, điều kì vọng đầu tiên là kim ngạch XK tăng lên ít nhất là 15 - 20%.

Tuy nhiên, thách thức lớn từ EVFTA là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng; nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại; sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU.

Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các DN EU có lợi thế hơn hẳn các DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

*PV: Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các DN gỗ Việt Nam và Nhà nước cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu của thị trường của EU nói riêng và các nước mà Việt Nam tham gia ký FTA nói chung, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tôn Quyền: EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Cụ thể, DN gỗ Việt Nam phải có chiến lược và kế hoạch, chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam và phát triển mạnh mẽ hệ thống thiết kế sản phẩm gỗ Việt Nam từ các DN, các trường đại học, các trung tâm thương mại giao dịch gỗ.

Thiết kế sản phẩm là mắt xích đầu tiên trong chuỗi cung ứng công nghệ cao. Thiết kế là sáng tạo, sự sáng tạo đó được áp dụng trong quá trình chế biến các sản phẩm mới của Việt Nam và được sản xuất tại Việt Nam. Thiết kế sản phẩm là khâu quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu quốc gỗ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các DN cũng phải nâng cao trình độ nhận thức để hiểu biết hơn về các hiệp định này.

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm và hỗ trợ cộng đồng DN gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, đặc biệt có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm và xây dựng dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA trong năm 2019, để giúp cho cộng đồng DN có căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm kinh doanh trong thời gian tới.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-07-03/nganh-cong-nghiep-go-va-co-hoi-vang-khi-tham-gia-evfta-73477.aspx