DOANH NGHIỆP GỖ BÌNH DƯƠNG CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Trong đợt dịch thứ 4, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang diễn biến hết sức phức tạp. Các ca nhiễm trong cộng đồng xuất hiện ngày càng tăng, đặc biệt vào tháng 6/2021 xuất hiện các ca nhiễm trong doanh nghiệp gây gián đoạn hoạt động của nhiều nhà máy, tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập và sức khỏe của người lao động.

Theo ghi nhận được biết một số Doanh nghiệp ngành gỗ thuộc hội viên BIFA buộc phải tạm ngưng hoạt động do nằm trong khu vực bị phong tỏa trên các địa bàn thuộc Tân Uyên, Thuận An, TP. Thủ Dầu Một như: Công ty Bảo Hưng; Công ty Đỉnh Cao; Công ty Huyền Trân; Công ty Hóa Keo Bình Thạnh,Công ty Nhuận Đạt; Công ty Tiến Hưng, Công ty VN HOUSEWARE;  Công ty An Khang ; Công ty Hoa Nét…

Khu vực cách ly tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương nhằm chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời giảm rủi ro và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong các doanh nghiệp. Các Doanh nghiệp đã chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp mình bằng nhiều phương án khác nhau như:  thực hiện nghiêm túc các quy định về 5K; tuyên truyền băng rôn, khẩu hiệu tại nơi ra vào làm việc; yêu cầu 100% công nhân, người lao động đeo khẩu trang toàn thời gian làm việc và đo thân nhiệt hàng ngày kể cả khách hàng khi đến liên hệ.  Bố trí phân xưởng làm việc thông thoáng khí, hạn chế máy lạnh, điều hòa khi làm việc trong không gian kín. Giữ khoảng cách làm việc giữa công nhân viên; giãn cách bàn ăn, gắn tấm che và giảm số lượng người ngồi tại các bàn ăn trong nhà ăn tập thể; bố trí thời gian nghỉ ca ăn trưa luân phiên, tránh tụ tập đông người; bố trí nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay tại các vị trí trước khi làm việc hoặc ăn uống. Thành lập Ban Chỉ đạo hoặc tổ chống dịch Covid-19 tại đơn vị với thành viên bao gồm chủ doanh nghiệp, trưởng hoặc phó các phòng chuyên môn, nhân viên y tế, trưởng các chuyền, khâu của doanh nghiệp.  Tăng cường việc trao đổi online/thư điện tử đối với các khách hàng, chuyên gia nước ngoài khi liên hệ làm việc với doanh nghiệp.

Thiết lập tấm che và giãn khoảng cách bàn ăn trong nhà ăn tập thể tại công ty CP Cao Su Trường Phát

Đo thân nhiệt và xát khuẩn tay cho cán bộ công nhân viên tại nhà máy

Tổ chức khám và test nhanh Covid-19 cho người lao động tại Công ty Gỗ Hoàng Thông

Tuy nhiên, số ca nhiễm không ngừng tăng cao, các ca nhiễm đã xuất hiện trên 40 doanh nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa sản xuất vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh tốt, các Doanh nghiệp cần có các biện pháp cao hơn trong công tác phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất. Một số doanh nghiệp áp dụng thêm phương án “3 tại chỗ”  (ăn - ở - làm việc tại chỗ), thực hiện xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên đối với các người lao động tại các vị trí làm việc, xây dựng kịch bản ứng phó tình huống có ca F0 xuất hiện nhằm động viên, khích lệ tinh thần người lao động an tâm làm việc, tuyên truyền các thông tin chính khống, giải thích rõ về phong tỏa và giãn cách giúp người lao động không hoang mang, sợ sệt khi đến nhà máy làm việc với mong muốn giảm tối thiểu rủi ro cho Doanh nghiệp và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Tuyên truyền, vận động và khích lệ người lao động an tâm làm việc

Bố trí chỗ ở cho người lao động theo phương án “3 tại chỗ”

Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu lây lan nhanh vào các nhà máy, khu công nghiệp, việc doanh nghiệp bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc là hết sức hiệu quả.

Hội viên BIFA chung tay ủng hộ tỉnh Bình Dương đẩy lùi Covid-19

Hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ VN tỉnh Bình Dương về việc đóng góp ủng hộ cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19, Ban chấp hành Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đã phát động chương trình “Chung tay ủng hộ tỉnh Bình Dương đẩy lùi Covid-19” với mong muốn cùng chia sẻ và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ với tỉnh nhà.

Sau thời gian ngày kêu gọi, BIFA đã nhận được 500tr trên tổng số tiền là 1.070 tỷ đồng của các doanh nghiệp hội viên ủng hộ và đã chuyển đến UBMTTQ VN tỉnh Bình Dương  để góp phần nhỏ vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nhà. Bên cạnh đó, BIFA cũng mong muốn UBND tỉnh Bình Dương tạo điều kiện và hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ tỉnh Bình Dương được tiếp cận nguồn vaccine chích ngừa Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp lẫn người lao động  an tâm sản xuất – làm việc trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp. Số tiền còn lại, BIFA sẽ hỗ trợ cho Doanh nghiệp hội viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua.

Đại diện BCH BIFA trao tặng số tiền ủng hộ của các DN hội viên đến UBMTTQ VN tỉnh Bình Dương

Qua đây, Ban Chấp hành Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cũng xin được gửi lời cám ơn chân thành nhất đến quý Doanh nghiệp hội viên đã đồng hành và cùng chia sẻ khó khăn với nhau trong cuộc chiến “đẩy lùi dịch Covid-19”.

Ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp trong thời đại này. Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương mong rằng những phương án phòng, chống dịch Covd-19 hiện nay của các Doanh nghiệp sẽ là giải pháp sáng tạo để đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như đảm bảo sản xuất cho Doanh nghiệp được duy trì một cách có hiệu quả nhất trong giai đoạn “sống chung với dịch Covd-19” cho đến khi được trở lại trạng thái “bình thường mới”.