Hội nghị đánh giá năng lực công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản

Chiều 19/10, tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam và ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị đánh giá năng lực và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp phía Nam.



Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Trần Thanh Nam cho rằng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiện đại, hội nhập quốc tế đòi hỏi lĩnh vực công nghiệp chế biến NLTS, cũng như cơ giới hóa nông nghiệp phải được phát triển mạnh mẽ để góp phần trực tiếp vào thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, giải quyết đầu ra cho sản xuất, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và giải quyết được những “nút thắt” như hiện nay.



Thực tế, tuy ngành công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản của Việt Nam trong thời gian qua có nhiều cải tiến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới.

Cũng tại hội nghị ông Nguyễn Liêm, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đã có tham luận về “Hiệu quả liên kết doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương” nhằm chia sẻ một số kinh nghiệp đạt được trong lĩnh vực lâm nghiệp đến các đại biểu trong Hội nghị.



Theo ông Liêm, việc liên kết doanh nghiệp phải trở thành một chuỗi khép kín từ đầu vào đến đầu ra nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm cuối cùng. Với quy định chặt chẽ từ thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Úc,… các sản phẩm đồ gỗ phải đáp ứng những quy định của các chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Trong khi đó, gỗ nguyên liệu Việt Nam chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu trong nước. Để giải quyết bài toán khó khăn về nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã bắt tay với chủ rừng để tạo ra những khu rừng có chứng nhận của tổ chức FSC. Chính nguồn nguyên liệu này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí đầu vào và tăng giá trị sản phẩm đầu ra. Đây cũng là hướng phát triển bền vững cho ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Theo ông Nam, trong năm 2018, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản sẽ vượt 40 tỉ đô la Mỹ, tăng khá mạnh so với con số 36,2 tỉ đô la của năm ngoái.