Triển khai thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương”

Sáng ngày 25/5/2022 hội thảo "Xây dựng nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương" diễn ra với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 


Hội thảo "Xây dựng nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương" diễn ra với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định (trung bình 12 – 15%/ năm), là một trong những ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm từ 12 – 14%) và Bình Dương luôn là một trong những địa phương hàng đầu của cả nước về xuất khẩu đồ gỗ (chiếm trung bình 35% – 40%).

Toàn tỉnh có khoảng 1.215 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó: 905 doanh nghiệp trong nước (tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng); 310 doanh nghiệp nước ngoài (tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD).  Thị trường chính của ngành là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, ngoài ra ngành chế biến gỗ còn phát triển thêm được các thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, Bắc Mỹ…  

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp chưa phát triển kỹ năng thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm và đặc biệt xây dựng thương hiệu, bao gồm cả việc đăng ký và phát triển thương hiệu ở trong và ngoài nước, chính vì vậy, khả năng đáp ứng sự thay đổi thị hiếu của thị trường bị động trong việc tiếp cận trực tiếp nhu cầu của thị trường thế giới.

Trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hiện các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương vẫn chưa có sự liên kết một cách hiệu quả. Cần xây dựng một  thương hiệu chung cho các doanh nghiệp trong khu vực tỉnh Bình Dương, để có sự gắn bó chặt chẽ tên gọi xuất xứ hàng hóa dưới cùng một thương hiệu.

Tại hội thảo ông Nguyễn Mộng Giang - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết: Nhận biết rõ vai trò quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với ngành chế biến gỗ, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt triển khai thực hiện dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh. Việc lựa chọn đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương được coi là giải pháp tốt giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Nguyễn Mộng Giang - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo

Đồng thời, hội nghị cũng bàn luận về vấn đề Nhãn hiệu tập thể - Giải pháp quan trọng giúp nâng cao danh tiếng, quảng bá phát triển sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Theo đó việc xây dựng Nhãn hiệu tập thể chế biến gỗ Bình Dương, sẽ mang lại những lợi ích như:

- Giúp người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thông qua chỉ dẫn về nguồn gốc Bình Dương.

- Tạo sự tin cậy: tạo sự cảm nhận cho người tiêu dùng về sự khác biệt, ưu việt, an tâm, thoải mái tin tưởng.

- Lợi ích về kinh tế và quảng bá qua việc huy động sức mạnh tập thể của các doanh nghiệp và giúp tiết kiệm chi phí đăng ký và quảng bá nhãn hiệu ở thị trường trong nước và nước ngoài.

- Đảm bảo chất lượng ổn định cho các sản phẩm của ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương  

Có thể thấy việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương là tiền đề nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, đảm bảo việc xúc tiến thương mại từ đó tạo động lực phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương.