Bình Định phát triển rừng gỗ lớn

Trong tiến trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tỉnh Bình Định đang triển khai thí điểm mô hình trồng rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, góp phần làm tăng độ che phủ rừng trên địa bàn với mục tiêu đạt trên 10.000ha rừng trồng gỗ lớn vào năm 2020.

Bình Định là tỉnh dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung bộ trong phong trào trồng rừng SX. Hiện trên địa bàn tỉnh có đến 110.124ha rừng trồng. Tuy nhiên, người trồng rừng thường “ăn non”, khi rừng mới được 4 - 5 tuổi mà gỗ nguyên liệu có giá là đốn bán, do đó không khai thác hết tiềm năng kinh tế của rừng trồng.

 

11-07-32_1
Rừng trồng gỗ lớn tại Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh

Để từng bước hướng đến việc “nuôi” rừng khai thác cây gỗ lớn, Bình Định đang xây dựng đề án phát triển cây gỗ lớn đạt diện tích 10.000ha vào năm 2020… Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình trồng rừng gỗ lớn với diện tích 800ha tại Cty Lâm nghiệp Quy Nhơn, Cty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Sau khi đề án được phê duyệt, ngành chức năng sẽ triển khai rộng rãi đến người trồng rừng.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Bình Định phân tích: Chu kỳ của rừng gỗ lớn kéo dài 10 - 15 năm mới khai thác. Đến lúc này cây gỗ lớn không bán cho những nhà máy băm dăm nữa mà sẽ được cung ứng cho những doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn với giá trị cao hơn. Nuôi rừng khai thác cây gỗ lớn có rất nhiều mặt lợi. Cái lợi “vô hình” mà người trồng không thấy được là về mặt môi trường, độ che phủ của rừng duy trì hàng chục năm nên đất không bị mưa gió làm xói mòn.

Hiện các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Khi rừng trồng cây gỗ lớn được hình thành thì áp lực về gỗ nguyên liệu sẽ giảm bớt, người trồng sẽ có lãi nhiều hơn.

“Nếu gỗ rừng trồng đạt giá 1,2 triệu đồng/tấn, rừng trồng 5 - 7 năm khai thác người trồng rừng có mức doanh thu khoảng 120 triệu đồng/ha; nếu để 10 - 15 năm mới khai thác thì mức doanh thu có thể đạt đến 250 triệu đồng/ha. “Nuôi” rừng khai thác cây gỗ lớn người trồng chỉ tốn thêm công bảo vệ một thời gian, chứ ở giai đoạn này rừng “ăn” rất ít phân nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, chất lượng gỗ tốt hơn, tỷ trọng cây gỗ cao hơn. Nếu khai thác gỗ non 1 khối tỷ trọng gỗ chỉ đạt 0,7 tấn thì khai thác cây gỗ lớn tỷ trọng gỗ sẽ tăng lên 1 khối đạt 1 tấn”, ông Dũng nêu phân tích.

Khi trồng rừng SX với mục tiêu khai thác sớm để cung ứng gỗ cho các nhà máy chế biến dăm gỗ XK, mật độ của các lô rừng trồng thường từ 1.600 - 2.000 cây/ha; vì vậy khi lựa chọn những lâm phần có chất lượng tốt để chuyển hóa thành rừng trồng gỗ lớn, biện pháp kỹ thuật được lựa chọn là tỉa thưa rừng trồng để tận dụng sản phẩm gỗ khi tỉa thưa nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Những cây gỗ lớn trong rừng trồng sẽ được chọn để chuyển hóa thành rừng gỗ lớn

Điều đáng lo là khi “nuôi” rừng thời gian dài để lấy gỗ lớn thì rừng trồng sẽ đối mặt với thiên tai như mưa bão và cháy rừng. Ông Trần Nguyên Tú, Giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đề xuất: “Trồng rừng gỗ lớn thì thời gian phải kéo dài từ 10 - 15 năm, các doanh nghiệp thì chưa chủ động được nguồn vốn để “nuôi” rừng. Trước thực tế này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đặc biệt là ưu đãi về lãi suất để các doanh nghiệp thực hiện. Thứ đến là về bảo hiểm. Khu vực miền Trung thường xảy ra nắng nóng kéo dài và bão lũ, gây ảnh hưởng đến cây trồng. Do đó, rừng trồng gỗ lớn cần có chính sách bảo hiểm để khi có sự cố gây thiệt hại, các doanh nghiệp còn có bảo hiểm để bảo đảm nguồn vốn tiếp tục tái SX”.

“Trước khi triển khai việc trồng rừng gỗ lớn đến người dân, chúng tôi sẽ làm việc với từng địa phương, tổ chức truyên truyền rộng rãi để người dân thấy rõ lợi ích, đồng thời làm mô hình để người dân nhìn thấy được hiệu quả”, ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.