Cần kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu từ Campuchia

Nhập khẩu gỗ từ Campuchia đã giảm

Thực tế, Việt Nam đã và đang NK gỗ từ khá nhiều thị trường, trong đó có những thị trường được nhìn nhận có tính rủi ro cao về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu như Campuchia. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng và cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, hiện nay số lượng gỗ NK từ Campuchia đã giảm mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017 lượng gỗ NK từ Campuchia là hơn 435 nghìn m3 và giá trị gần 203 triệu USD thì 9 tháng đầu năm 2018, con số này đã giảm còn 210 m3 với giá trị hơn 88 triệu USD, chưa bằng một nửa so với năm 2017.

Là “cửa ngõ” nhập gỗ từ Campuchia, bà Lê Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum chia sẻ: “Năm 2018, hoạt động NK gỗ chủ yếu diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai mà không phát sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Lượng gỗ NK từ Campuchia, chủ yếu qua cửa khẩu Lệ Thanh đã giảm đi đáng kể. Nếu như năm 2017, số thu thuế riêng từ gỗ xấp xỉ 140 tỷ đồng thì năm 2018 ước chỉ đạt trên 50 tỷ đồng”.

Qua thực tế khảo sát tại một số DN đầu mối về NK gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho thấy, những năm gần đây, lượng gỗ NK chính ngạch từ Campuchia ngày càng giảm dần. Theo một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập gỗ từ Campuchia, nguồn gỗ NK này chủ yếu xuất sang Trung Quốc, chỉ khoảng 10% dùng nội địa. Do nhu cầu phía khách hàng Trung Quốc giảm và nguồn cung cũng ít đi, nên lượng gỗ DN nhập từ đầu năm đến nay chỉ bằng một nửa năm ngoái.

Thậm chí, làng nghề sản xuất và chế biến đồ gỗ tiêu thụ nội địa lớn như làng nghề Hữu Bằng (Thạch Thất- Hà Nội), trước đây có nhiều DN nhập gỗ từ Campuchia nhưng đến nay gần 100% gỗ NK của các cơ sở kinh doanh của làng nghề là hợp pháp, chủ yếu từ thị trường châu Âu, Châu Phi.

Gỗ
Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty TNHH Minh Phát 2 (Bình Dương). Ảnh: NNK

Kiểm soát chặt từ đầu vào

Mặc dù số lượng gỗ NK từ Campuchia đã giảm nhưng các cơ quan chức năng vẫn quan ngại trong việc kiểm soát gỗ hợp pháp.

Theo bà Lê Thị Thanh Huyền, hải quan chỉ là cơ quan thực thi. Theo quy định, hồ sơ nguồn gốc gỗ hợp pháp gồm: Tờ khai hải quan, bảng kê lâm sản, giấy phép Cites (nếu buộc phải có) và văn bản phía nước ngoài (nếu có). Khi DN đủ hồ sơ thì cơ quan hải quan cho thông quan. Song, bà Huyền cũng cho rằng, với quy định hiện hành, để cam kết hồ sơ gỗ hợp pháp là chưa đủ, bởi quy định của Việt Nam không yêu cầu hồ sơ XK từ phía Campuchia mà chỉ yêu cầu bộ hồ sơ NK. Trong bộ hồ sơ đó quy định gì, cơ quan Hải quan yêu cầu DN xuất trình đầy đủ giấy tờ đó.

Bà Huyền cho rằng, thời gian tới, khi triển khai Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), Chính phủ cũng như các bộ, ngành phải có những quy định sửa đổi chính sách về lâm sản; cần có quy định cụ thể để trong quá trình quản lý gỗ, chứng minh được gỗ đó có nguồn gốc hợp pháp.

Từ góc độ cơ quan kiểm lâm, ông Nguyễn Nhĩ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết thêm, hiện nay, thiếu cơ chế để lực lượng kiểm lâm quản lý chặt nguồn gỗ. Trước đây kiểm lâm xác nhận gỗ đầu vào và đầu ra, nhưng theo quy định hiện hành, kiểm lâm không nắm được đầu vào nhưng phải xác nhận đầu ra.

Vì vậy, ông Nhĩ đề nghị cơ quan kiểm lâm được xác nhận lâm sản NK. Với lâm sản NK, lực lượng kiểm lâm địa phương được tham gia quản lý, nắm số liệu, chủng loại, quy cách ngay từ đầu để có cơ sở quản lý tại thị trường nội địa và cũng như kiểm soát chặt truy xuất nguồn gốc gỗ.

Từ góc độ DN, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh kiến nghị: "Chính phủ Việt Nam phối hợp chính phủ Campuchia xem xét cơ chế phối hợp chính sách như thế nào để ngăn chặn không cho NK gỗ bất hợp pháp từ Campuchia, khuyến khích NK toàn bộ gỗ từ rừng trồng, từng bước cấm NK gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên"./.

Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã được ký kết. Hiệp định nhằm tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam XK sang thị trường EU và các thị trường khác. Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-12-03/can-kiem-soat-nguon-go-nhap-khau-tu-campuchia-65042.aspx