Chế biến gỗ phải vượt "rào cản" công suất

Đó là nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn dẫn đầu với Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) vào ngày 25/2.

17-23-23_nng_co_nng_luc_ngnh_go
Chế biến đồ gỗ ở Cty Thượng Nguyên (Bình Dương)

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, cho hay, CPTPP, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự dịch chuyển các nhà máy chế biến gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam… là những cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Mỗi năm Trung Quốc XK khoảng 30 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ. Chỉ cần 1/3 trong số này dịch chuyển sang Việt Nam, sẽ giúp cho ngành chế biến gỗ nước ta có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Về mặt thị trường, nhu cầu đang rộng mở và các đơn hàng rất dồi dào. Theo ông Nguyễn Liêm, TGĐ Cty CP Lâm Việt, nhiều nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương đang phải từ chối bớt đơn hàng bởi làm không kịp. Còn về gỗ nguyên liệu, cũng không có gì phải lo ngại vì nguồn gỗ nguyên liệu trên thế giới chưa bao giờ thiếu.

Nhưng một câu hỏi lớn đang được đặt ra cho ngành chế biến gỗ Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung, là làm sao nâng cao được năng lực chế biến gỗ? Riêng việc nhiều DN đang phải từ chối bớt đơn hàng đã cho thấy năng lực chế biến gỗ của nhiều nhà máy còn hạn chế. Cũng do năng lực còn hạn chế, mà trong bối cảnh nhiều nhà máy ở Trung Quốc đang dịch chuyển sang nước khác, nếu không đủ nội lực để tiếp nhận được dòng máy móc, vốn liếng đang dịch chuyển này, thì dù có lợi thế lớn là rất gần về mặt địa lý, chỉ đứng sau Trung Quốc ở châu Á về chế biến gỗ, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể bỏ lỡ cơ hội rất tốt này khi các nhà máy thay vì chuyển vào Việt Nam sẽ đi sang các nước khác ở châu Á.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cho ngành chế biến gỗ, ông Điền Quang Hiệp đã đề nghị 4 vấn đề. Trước hết, về nguyên liệu, dù nước ta đã có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng rất dồi dào, nhưng gỗ nguyên liệu đạt chất lượng tốt còn chưa nhiều. Do đó, Bộ NN-PTNT cần lưu tâm tới giống cây lâm nghiệp, chỉ ra những vùng trồng gỗ nguyên liệu hiệu quả cao về mặt kinh tế…

Về thị trường, một trong những giải pháp tiếp thị tốt nhất, để DN và khách hàng tiếp cận với nhau một cách dễ dàng, thuận tiện nhất, là tổ chức các hội chợ đồ gỗ quốc tế quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam chưa có trung tâm hội chợ triển lãm nào có quy mô lớn. Bởi vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư hình thành một trung tâm hội chợ triển lãm tầm cỡ quốc tế.

Về nội lực của ngành gỗ, với công suất hiện tại, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu chế biến XK 9 - 10 tỷ USD/năm và hơn nữa. Nhưng để đạt được những mục tiêu lớn như 25 tỷ USD vào 2025, thì ngoài việc đẩy mạnh đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo nguồn nhân lực…, phải tạo được sự liên kết tạo nên chuỗi giá trị trong ngành chế biến gỗ. Một trong những giải pháp quan trọng là phải hình thành được khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành chế biến gỗ. Bình Dương đã có chủ trương xây dựng một KCN như thế từ mấy năm nay, nhưng do vướng về đất đai mà chưa thể thực hiện được.

Ông Hiệp cũng đề nghị Nhà nước cần xem xét, lập một “hàng rào” nhằm ngăn chặn gian lận nguồn gốc xuất xứ để tạo bình đẳng, minh bạch cho thị trường.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu, và hứa sẽ cùng BIFA làm việc với các đơn vị liên quan, nhất là về KCN ngành gỗ…; đồng thời giao cho Tổng cục Lâm nghiệp và các cơ quan chức năng thuộc Bộ xem xét, xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/che-bien-go-phai-vuot-rao-can-cong-suat-post237268.html