Doanh nghiệp ngành chế biến gỗ gặp khó vì thiếu nhân lực

Khan hiếm lao động chất lượng cao

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), chế biến gỗ là ngành có tiềm năng phát triển, năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế với thị trường rộng lớn. Tại Việt Nam, ngành này đang có quy mô khoảng hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, số lượng kỹ sư ngành chế biến lâm sản, thiết kế nội thất chỉ chiếm 1-2%; 20-30% trong tổng số lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70-80%) chưa qua đào tạo.

nganh che bien go thieu nhan luc tit trung
Doanh nghiệp chế biến gỗ có nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao

Cũng vì lao động phổ thông nhiều nên năng suất ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 50% so với Philippines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU). Cả nước có 5 trường đại học đào tạo chế biến lâm sản với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trûúâng àaâo tạo nghïì khoaãng 600 học viên. Đây là nguyên nhân khiến kỹ sư chế biến lâm sản từ các trường đại học đào tạo ra cung không đủ cầu, các trường đào tạo nghề không thu hút được học viên ngành chế biến gỗ, các DN thiếu nguồn nhân công lành nghề có khả năng sử dụng những thiết bị tự động, điều khiển số.

Ông Lê Xuân Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiến trúc và Nội thất Nano - nêu thực tế, trong số 10.000 công nhân đang làm việc tại nhà máy thì chỉ có 10 kỹ sư lâm nghiệp.

Tương tự, nhiều DN chế biến gỗ ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương cũng cho biết hiện các đơn hàng xuất khẩu gỗ 2019 đã được ký kết đến hết năm với số lượng tăng mạnh song DN không dám nhận nhiều vì năng suất và chất lượng lao động không đủ đáp ứng kịp.

Cần đột phá trong đào tạo

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - mục tiêu ngành chế biến gỗ trong 5 - 10 năm nữa có thể đạt doanh số 20 tỷ USD, đồng nghĩa nguồn nhân lực cần phải tăng về số lượng và chất lượng. Để đạt con số nêu trên ngành sẽ cần khoảng 64.000 lao động có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân kỹ thuật vào năm 2020; đến năm 2025 cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân kỹ thuật. Lao động khác trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến trung gian và công nghiệp phụ trợ sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với hiện tại.

Có thể thấy rằng, khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu cho ngành gỗ ngày càng rộng mở, để trở thành trung tâm nội thất của thế giới ngành gỗ cần tính tới việc xuất khẩu giá trị sản phẩm ở các khía cạnh thương hiệu, thiết kế có tính thẩm mỹ và tính ứng dụng cao. Do đó, các chuyên gia đề xuất cần phải có sự đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, tạo ra sự gắn kết giữa các trường đào tạo, viện nghiên cứu và DN để có thể thích ứng với môi trường công nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0. Cụ thể là tập trung xây dựng các trường đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao; nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính trung bình mỗi DN chỉ có chưa tới một kỹ sư chế biến gỗ. Đây là hạn chế không nhỏ của ngành gỗ khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay.

Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-che-bien-go-gap-kho-vi-thieu-nhan-luc-119324.html