Ngành công nghiệp chế biến gỗ (Kỳ III): Nhân lực chất lượng... “hụt hơi”

Theo TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân. Hiện nay, nguồn nhân lực Việt Nam trình độ cao lĩnh vực này đang thiếu trầm trọng, không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

 dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân.

Đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân.

Doanh nghiệp mong chờ suốt 10 năm

Trao đổi với DĐDN, ông Lê Xuân Quân, Tổng Giám đốc CTY CP Kiến trúc và Nội thất Nano cho biết, đã trăn trở 10 năm nay về vấn đề nhân lực cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Theo ông Quân, vấn đề con người là mấu chốt trong quá trình phát triển của ngành, bởi chúng ta đang thiếu các hoạ sĩ thiết kế, kiến trúc sư thiết kế chuyên sâu chuyên ngành nội thất.

“Cùng với đó, đội ngũ kỹ sư lâm nghiệp đang rất rất thiếu. Nhà máy của chúng tôi hiện có 1.000 công nhân nhưng chỉ có 10 kỹ sư lâm nghiệp, tỷ lệ ít. Chúng tôi đã làm việc với trường lâm nghiệp nhiều năm nhưng chưa giải quyết được, số kỹ sư lâm nghiệp thiếu trầm trọng, khiến doanh nghiệp phải tự đào tạo gây tốn chi phí thời gian lớn cho doanh nghiệp”, ông Quân nhấn mạnh.

Trên thực tế, cả nước hiện có khoảng 4500 doanh nghiệp, trong đó có 1863 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu, 700 doanh nghiệp FDI và 340 làng nghề chế biến gỗ, với hơn 420.000 lao động thường xuyên tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan.

Cả nước có 4 trường đại học đào tạo chế biến lâm sản (CBLS) là ĐH Lâm Nghiệp VN, ĐH Nông lâm Thủ Đức, ĐH Nông lâm Huế và ĐH  Sư phạm KTTP HCM với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào nghề khoảng 600 học viên.

Điều đáng nói, hiện kỹ sư CBLS, thiết kế nội thất chỉ chiếm 1-2%; 20-30% lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông chiếm đến 70-80% chưa qua đào tạo.

“Phải nói rằng ngành gỗ đang thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao. Công nghệ chưa tiên tiến, lao động phổ thông nhiều nên năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng 50% so với Philipines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU)”, TS Trần Văn Chứ nhận định.

Trong khi đó, dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân. Đến năm 2025 cần 106.800 người có trình độ đại học, trên đại học và 445.200 công nhân.

Trong đó, công nghệ cao bắt buộc các dây chuyền sản xuất sẽ tự động hoá, điều khiển số và áp dụng trí tuệ nhân tạo và đương nhiên sẽ đòi hỏi nhân lực phải có trình độ cao.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam về nguồn nhân lực càng khốc liệt. Đặc biệt, các doanh nghiệp có lao động không qua đào tạo, không có chứng chỉ nghề sẽ gặp rủi ro khi Việt Nam gia nhập CPPP. 

Chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực

Để giải quyết vấn đề được xem là cốt lõi này, doanh nghiệp kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo kỹ sư và lao động cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Có chính sách thu hút sinh viên theo hoc chuyên ngành lâm nghiệp...

Ở góc độ chuyên gia, GS Trần Văn Chứ nhận định, cần có những giải pháp cơ bản cho vấn đề này. 

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực CBLS chất lượng cao đáp ứng về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng: kỹ thuật, xã hội và nhận thức. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Thứ hai, tập trung xây dựng các trường đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về Lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế. Đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao như các nước tiên tiến. Nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ NN&PTNT. 

Chuẩn hóa chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng. Đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, những kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi, các kỹ năng mềm để thích ứng trong môi trường công nghiệp hiện đại 4.0, gắn với doanh nghiệp và triển khai nhiều học kỳ tại doanh nghiệp.  

Thứ ba, coi trọng và tạo dựng một bước tiến mới trong công tác đào tạo nghề. Phải xác định rõ, đào tạo nghề là loại hình phát triển nguồn nhân lực quan trọng trong chiến lược của Ngành. Nhanh chóng loại bỏ những bất cập trong đào tạo nghề hiện nay.

Thiết kế tổng thể về mục tiêu, chương trình đào tạo trên cơ sở khoa học xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo. Đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường lao động.

Đặc biệt, để sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ đạt bứt phá như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, GS Trần Văn Chứ cho rằng, cần chú trọng đào tạo, tư vấn cấp quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, nâng cao ý thức xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng CoC.

Đào tạo quản trị công nghệ hiện đại và cập nhật công nghệ mới cho các kỹ sư, lao động trong các doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao chất lượng, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho chế biến gỗ.

“Chúng tôi kính mong Thủ tướng và Chính phủ nhanh chóng đưa ngành Lâm nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản nói riêng là một trong những ngành kinh tế cần được đầu tư trọng điểm. Trong đó, lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho ngành cũng được quan tâm đặc biệt”, TS Trần Văn Chứ kiến nghị.

Nguồn: http://enternews.vn/nganh-cong-nghiep-che-bien-go-ky-iii-nhan-luc-chat-luong-hut-hoi-145610.html