Ngành công nghiệp gỗ (kỳ IV): Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp gỗ Việt

Chuỗi giá trị sản phẩm ngành chế biến lâm sản bao gồm sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu. Cho đến nay, chuỗi giá trị này ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đạt mức trung bình. Trong đó, đặc biệt vấn đề thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành gỗ còn rất yếu.

Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã nói: “Tôi ước mơ được thấy đất nước mình trở thành nhà sản xuất nội thất hàng đầu, với thiết kế và thương hiệu riêng như Italia”.

Một ví dụ sống động về việc xây dựng thương hiệu thành công trong ngành gỗ là Công ty Theodore Alexander. Công ty do một người nước ngoài là ông Paul Smith làm chủ. Ông đến Việt Nam cuối năm 1998 và đầu tư một nhà máy sản xuất đồ nội thất cao cấp theo tiêu chuẩn Hoàng gia Anh để xuất khẩu. Điều đặc biệt là ông Smith dựa trên nền tảng thiết kế và sản xuất hoàn toàn là người Việt Nam. Ông Smith dùng Tràm Bông Vàng, loại gỗ có nhiều ở Việt Nam, làm nguồn sản xuất chủ lực. Theodore Alexander bây giờ đã là một thương hiệu tiếng tăm trên thị trường nội thất quốc tế.

Ví dụ khác, Công ty TNHH Jonathan Charles cũng là một nhà sản xuất nội thất đến từ Anh và Hoa Kỳ đến đầu tư ở Việt Nam. Mục tiêu của Jonathan Charles là trở thành thương hiệu nội thất hàng đầu, cung cấp cho thị trường Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nga, Úc.

Có thể thấy, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời. Mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận. 

Xây dựng thương hiệu là vấn đề sống còn đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Và việc này đòi hỏi một quá trình bền bỉ. Một thương hiệu mạnh sẽ đem đến thành công cho doanh nghiệp. Muốn thế, thương hiệu phải được xây dựng trên những giá trị cốt lõi và nói lên được bản sắc của doanh nghiệp. Sự hài lòng của khách hàng là tài sản quan trọng, là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. 

Thương hiệu có thể làm tăng giá trị của công ty lên gấp vài lần, thậm chí là hơn năm mươi lần nếu được đông đảo xã hội nhìn nhận. Minh chứng cho việc này quá rõ ràng: từ thành công của Vin Group ở xứ ta cho đến xe hơi chạy điện Tesla của thế giới…

Không có cách quảng cáo nào cho hiệu quả cực cao với chi phí cực thấp bằng thông tin truyền miệng của khách hàng. Tâm lý con người luôn ưu tiên chọn lựa những sản phẩm/dịch vụ được giới thiệu bởi người quen. Vì thế, làm cho khách hàng hài lòng là một “tài sản” quan trọng đối với các doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.  

Thương hiệu là phần giá trị gia tăng của doanh nghiệp, được xây dựng trên hai nền tảng: chất lượng và uy tín. Là một nhà thầu Việt Nam về nội thất và cũng là nhà sản xuất đồ gỗ nội thất trong hơn 25 năm qua, AA đã phát triển các cơ sở sản xuất của mình như một một điểm đến để sản xuất và lắp đặt đồ nội thất với đủ mọi chất liệu gỗ, kim loại, đá và bọc nệm cho các công trình trong nước và xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên toàn cầu. Chúng tôi đã ký hợp đồng làm việc trực tiếp với chủ dự án. Sau đó làm việc với nhà thiết kế để thực hiện công việc, cùng lúc quảng bá thương hiệu của trực tiếp đến nhà đầu tư. 

AA đã đầu tư máy móc tiêu chuẩn quốc tế từ Đức, Thụy Sĩ, Ý, Nhật Bản, Đài Loan để sản xuất đồ nội thất chất lượng hàng đầu cho các dự án khách sạn 5 đến 6 sao. Bên cạnh đó, AA có chương trình đào tạo sâu rộng để nhân viên liên tục tăng kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng  nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chúng tôi cũng nâng cấp phương thức quản lý và cài đặt các trang web việc làm khác nhau cho khách hàng. Bằng cách cung cấp các dịch vụ tổng thể như vậy, chúng tôi có thể quảng bá thương hiệu và dịch vụ của mình cho các chủ đầu tư dự án quốc tế.

Tại thị trường nước ngoài, những thương hiệu khách sạn lừng danh thế giới như Park Hyatt, JW Marriott, Four Seasons, Hilton, Ritz-Carlton, International, Accor đều được thi công, cung cấp, lắp đặt nội thất bởi công ty AA. 

Tại Hoa Kỳ, AA thực hiện thi công, cung cấp lắp đặt nội thất cho khách sạn 5 sao vùng Caribbean Park Hyatt St Kitts and Nevis, Kempinski Dominica, Watergate Washington, The Ritz-Carlton Philadelphia, .., Các dự án 5, 6 sao toàn cầu như Ritz-Carlton Abu Dhabi, Ritz Carlton Nikko Japan, Sofitel Egypt, RoseWood Phnompenh, Shangri-la Yangon, Hilton Colombo, Four Seasons Resort Maldives. Crowne Plaza hotel Vientiane, Chitose Hokkaido, Le Meridien Thimphu Bhutan,  Intercontinental và JW Marriott India, Park Royal Singapore, 10 công trình du thuyền ở Myanmar và Việt Nam …

Trong nước, các dự án đẳng cấp đầu tư nước ngoài như Park Hyatt Sài Gòn, Sheraton Sài Gòn, Sheraton Hà Nội, Four seasons Nam Hải Resort, Sofitel Plaza Sài Gòn. Mgallery Saigon, Intercontinental Đà Nẵng và Phú quốc, JW Marriott Phú Quốc và Hà nội, Vinpearl Phú Quốc, các dự án lớn của Sun Group, Vin Group trên toàn Việt Nam đều có sản phẩm nội thất do Công ty AA sản xuất, thi công lắp đặt, trong đó có toà nhà Landmark 81 Sài gòn. 

Đặc biệt thương hiệu đồ nội thất Nhà Xinh của công ty AKA, khởi nguồn từ 1999 cũng đã giữ vững được thương hiệu nội thất hàng đầu và là thương hiệu bán lẻ phục vụ trang trí nội thất cho tất cả gia đình Việt. Nhà.

Không riêng AA, các công ty Việt Nam cũng đều chú trọng đến việc xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Hiện nay các công ty như Scansia Pacific, Đồ gỗ Minh Dương, An Cường, Qi Concept.. vv, đều từng bước khẳng định và nâng tầm thương hiệu Việt cho doanh nghiệp mình.

Từ thực tế của công ty mình, tôi rất tự tin để nói rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác giá trị cao nhất của ngành. Để làm được điều này, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là tối cần thiết. Chính thương hiệu sẽ làm tăng giá trị thương mại, không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giá trị bán buôn nội địa mà còn định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Hãy để cho khách hàng trong và ngoài nước, mỗi khi tìm kiếm đến đồ gỗ nội thất thì những thương hiệu Việt Nam sẽ bật lên trong đầu họ. Xây dựng thương hiệu cho chính mình, các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam.


Nguồn: http://enternews.vn/nganh-cong-nghiep-go-ky-iv-xay-dung-thuong-hieu-cho-doanh-nghiep-go-viet-146184.html