Các FTA và tương lai ngành chế biến gỗ Việt Nam

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu nếu đồng thời được thực thi trong năm 2019 sẽ tác động lớn tới ngành gỗ Việt Nam.

Các FTA và tương lai ngành chế biến gỗ Việt Nam
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12/11/2018 vừa qua. Ngày 15/11, tại Papua New Guinea, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao văn kiện cho Chính phủ New Zealand về việc Việt Nam hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Có nghĩa hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, chính thức mở ra các thị trường mới là Mexico, Canada và Peru.

Nhiều thuận lợi

Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu vào Canada khoảng 128 triệu USD, cả năm 2018 đạt trên 140 triệu USD. CPTPP mở ra cơ hội đối với các sản phẩm như ván sàn, gỗ thanh bởi mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ. Các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất cũng sẽ có cơ hội lớn bởi thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ khi hiệp định có hiệu lực.

Mexico chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam do mức thuế nhập khẩu đồ gỗ khá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên hết sức lưu ý tìm hiểu thị trường này và có sự chuẩn bị tiếp cận bởi trong CPTPP, Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ sản phẩm gỗ với lộ trình tối đa là 10 năm.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được kết thúc đàm phán cuối 2015 và lẽ ra đã được ký vào năm 2017 nhưng do có sự diễn giải mới về thẩm quyền phê chuẩn tại EU nên hai bên phải làm lại một số công đoạn, tách hiệp định đã ký thành hai hiệp định riêng biệt, một quy định về bảo hộ đầu tư (Hiệp định Đầu tư), một quy định về các vấn đề còn lại (Hiệp định Thương mại). 

Tới nay, việc tách hiệp định đã xong, hai bên hy vọng sẽ ký vào đầu quý I/2019, sau đó trình Nghị viện Châu âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

Thách thức 

Nếu việc phê chuẩn EVFTA diễn ra suôn sẻ trong nửa đầu 2019 thì sẽ là tin vui với cộng đồng chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam bởi EU là thị trường hết sức quan trọng (kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là gần 750 triệu USD). Song, vấn đề quan trọng nhất khi tiếp cận thị trường EU lại không phải là EVFTA. 

Người tiêu dùng tại EU cũng như nhiều thị trường quan trọng khác đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển rừng. Họ yêu cầu rất cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT về kiểm soát nguồn gốc gỗ, phải kiên quyết nói “không” với gỗ bất hợp pháp.

Kinh doanh là sự tổng hòa giữa cơ hội và rủi ro, có những điều tưởng như là sức ép, là thách thức nhưng nếu ta tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn thì đây lại chính là cơ hội.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương

Nguồn: https://theleader.vn/cac-fta-va-tuong-lai-nganh-che-bien-go-viet-nam-1550891458402.htm