Hiệp định VPA/FLEGT: Chắp cánh cho gỗ Việt xuất khẩu trực tiếp vào thị trường EU

Việc Việt Nam tham gia ký Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ giúp các sản phẩm gỗ trong nước xuất khẩu trực tiếp vào 28 nước Liên minh châu Âu (EU) mà không cần phải qua một nước trung gian nào.

    Hiệp định VPA/FLEGT: Chắp cánh cho gỗ Việt xuất khẩu trực tiếp vào thị trường EU
    Gỗ Việt sẽ bay thẳng vào các nước EU khi tham gia Hiệp định VPA/FLEGT. Ảnh: Trần Quý

    Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), 11 tháng năm 2018, xuất khẩu lâm sản chính đã vượt mức 8 tỷ USD. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm đạt 9,3 tỷ USD. 

    Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 23,42% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

    Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 15,63% so với cùng kỳ 2017. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 11 tháng ước đạt 6,398 tỷ USD. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm đạt 9,3 tỷ USD.

    Đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản.Đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường xuất khẩu lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường lớn gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

    Riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD sau khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết và có hiệu lực.

    Các cam kết của VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đến đầu năm 2021, khi hiệp định chính thức đưa vào thực thi, cơ quan quản lý, người trồng rừng và doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam sẽ sẵn sàng với các điều kiện cam kết.

    Tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong 10 năm tới, Việt Nam phải trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ có thương hiệu trên thế giới. Xuất khẩu các sản phẩm gỗ phải đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025.

    Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với những kết quả đạt được từ các thị trường chính, con số kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD với mặt hàng gỗ của Việt Nam vào năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được.

    Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế.

    Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, các DN Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU, mà không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước không có một hiệp định VPA đầy đủ.

    Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, với VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp, dù DN dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu thì vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Điều này sẽ khiến cho chi phí tăng, DN phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng.

    Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU được ký kết sẽ tạo điều kiện để Việt Nam vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

    Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR995 khi xuất khẩu vào EU. Đây được coi là “giấy thông hành đặc biệt” để các lô hàng gỗ của ta được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

    Khi thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT, các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp đã không còn là rào cản đối với DN Việt. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, thực tế trong 10 năm trở lại đây, các DN chế biến, xuất khẩu gỗ đã làm rất tốt điều này, gỗ nguyên liệu đều có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Năm 2015, các DN trong hiệp hội cũng đã ký cam kết "nói không" với gỗ bất hợp pháp.

    “Thay vì phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, vốn rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm để đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, các DN đã chủ động liên kết với người trồng rừng để phát triển rừng bền vững, có chứng chỉ FSC”, ông Quyền cho biết.

    Nguồn: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/hiep-dinh-vpaflegt-chap-canh-cho-go-viet-xuat-khau-truc-tiep-vao-thi-truong-eu_t114c1067n142365