Ngành gỗ Bình Định trước vận hội mới

Theo đó, ngành chế biến gỗ (CBG) xuất khẩu (XK) của tỉnh Bình Định được hưởng lợi vì có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao giá trị kim ngạch XK.

Đón vận hội mới, nhiều DN CBG đã chủ động đổi mới phương thức SX để đón đầu các thị trường khó tính.

Ở Bình Định hiện có 105 DN CBG tinh chế; trong đó có 18 DN có quy mô trên 200 lao động, 15 DN trên 500 lao động và 3 DN trên 1.000 lao động. Tổng diện tích xây dựng nhà xưởng khoảng 250ha, tổng công suất thiết kế đạt trên 30.000 container 40ft/năm. Tổng vốn đầu tư của các DN CBG đạt khoảng 7.290 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 26.000 lao động.

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2018, ngành CBG Bình Định đạt kim ngạch XK khoảng 423 triệu USD, chiểm khoảng 53% tổng giá trị kim ngạch XK toàn tỉnh. Riêng trong quý I/2019, kim ngạch XK ngành gỗ của Bình Định ước đạt 114 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Bên cạnh các thị trường truyền thống như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, gần đây thị trường Bắc Mỹ đã trở thành đối tác của nhiều DN ngành gỗ của Bình Định. Dự báo, kim ngạch XK ngành gỗ của Bình Định sẽ khởi sắc trong thời gian tới”, ông Châu nói.

Một trong những “ông lớn” trong ngành CBG là Tổng Cty Pisico Bình Định – CTCP (viết tắt là PISICO) được hưởng lợi hiện hữu khi sản phẩm đồ gỗ của đơn vị này đang XK vào thị trường 10 nước trong CPTPP được ưu đãi về thuế quan và giá cả cạnh tranh.

Để tăng cơ hội sau hội nhập, trong nhiều năm qua PISICO đã triển khai thực hiện mục tiêu hiện đại hóa SX bằng việc đầu tư trang thiết bị; đa dạng hóa sản phẩm; chủ động về nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ; đáp ứng yêu cầu về trình độ kỹ thuật của đội ngũ lao động.

“Trong năm 2019, PISICO tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào SX; tìm đối tác tốt để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng có xuất xứ rõ ràng để phục vụ SX”, bà Đồng Thị Ánh, Tổng GĐ PISICO cho hay.

11-06-55_2
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (hàng đầu, người đứng thứ 2 tính từ phải sang) thăm nhà xưởng SX của Cty Tiến Đạt

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, để tiếp cận được cơ hội từ CPTPP, các DN CBG phải chủ động thay đổi, phát triển theo yêu cầu trong bối cảnh mới. Thực tế, CPTPP mang đến cho DN CBG nhiều thuận lợi, song các rào cản về kỹ thuật cũng rất lớn, cơ hội ngang bằng với thách thức. Tiến Đạt là 1 trong 6 DN CBG của Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chuyên môn hóa, đổi mới công nghệ đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Nếu như khi còn sử dụng công nghệ cũ, để XK lô hàng đạt trị giá 20 triệu USD chúng tôi phải cần đến 225 lao động, sau khi đổi mới công nghệ, số lao động giảm xuống còn 60 công nhân cho lô hàng này”, ông Đạt cho biết lợi ích của việc đổi mới công nghệ trong CBG.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, với năng lực sẵn có, các “ông lớn” trong ngành CBG ở Bình Định như PISICO, Cty Tiến Đạt, Cty Đại Thành… sẽ có nhiều thuận lợi để tham gia vào “sân chơi” CPTPP, những DN nhỏ và vừa chưa đổi mới công nghệ muốn vượt qua hàng rào kỹ thuật từ các nước trong CPTPP là 1 thách thức lớn.

“Bình Định đang có hơn 10.115ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó có 9.762ha của DN nước ngoài, gần 353ha của hộ gia đình và 29.353ha của các DN trong nước đang trong quá trình phê duyệt cấp chứng chỉ FSC. Đồng thời, Bình Định cũng phát triển mạnh phong trào “nuôi” rừng gỗ lớn để cung ứng nguyên liệu cho ngành CBG.

Đầu tháng 4 vừa qua, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định phối hợp với Cty Tuv Sud Việt Nam - DN cung cấp các giải pháp kỹ thuật kiểm định chất lượng sản phẩm gỗ, công bố thông tin về quy định của thị trường Châu Âu và Châu Mỹ liên quan đến chất lượng sản phẩm nội, ngoại thất; các quy định mới về tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của DN; các chứng chỉ về chuỗi hành trình sản phẩm Pefc CoC… để các DN CBG trong khu vực miền Trung nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nganh-go-binh-dinh-truoc-van-hoi-moi-post240019.html