Nhà nhập khẩu gỗ của Trung Quốc khốn khổ vì chiến tranh thương mại

Nhưng ngay sau đó, chiến tranh thương mại nổ ra.

Kể từ khi Bắc Kinh tung ra những đòn trả đũa bằng việc áp mức thuế mới lên nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào năm ngoái, Xu phải tạm dừng hoạt động nhập khẩu. Và hệ quả là lợi nhuận anh kiếm được tụt dốc không phanh. Anh sẽ sớm phải nâng giá các sản phẩm để có thể trụ lại được trên thương trường, nhưng hành động đó cũng có thể là con dao hai lưỡi khi ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng.

Xu, 42 tuổi, hiện là chủ một công ty có trụ sở tại thành phố Thượng Hải tên Sam Wood. Trước tình hình kinh doanh ảm đạm của công ty, anh không thể giấu diếm sự bức xúc.

“Trump là một người hách dịch và vô lý, ông ấy buộc chúng tôi phải đứng dậy đấu tranh”, anh nói.

“Mặc dù chính sách thuế mới của chính phủ gây ảnh hưởng không tốt lên nền kinh tế, chúng tôi vẫn ủng hộ ông Tập Cận Bình cũng như quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trên bàn đàm phán”.

Nhà nhập khẩu gỗ của Trung Quốc khốn khổ vì chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh của nhiều công ty chuyên nhập khẩu gỗ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Ảnh: AFP.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã dựng lên hàng loạt những hàng rào thuế quan nhằm trả đũa lại những hành động tương tự từ phía Mỹ. Hành động đáp trả qua lại lẫn nhau giữa hai bên bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump châm ngòi cuộc chiến thượng mại trong năm 2018, nhằm tạo sức ép buộc Trung Quốc phải xóa bỏ những chính sách thương mại mà ông cho rằng không công bằng. Hàng trăm tỷ USD hàng hóa thương mại giữa hai bên đang chịu thuế.

Nhưng những tác động đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc lại ít được mọi người quan tâm.

Xu cũng xuất khẩu quần áo sang thị trường Nga và thịt sang thị trường Mông Cổ. Từ tháng 3/2017, anh bắt đầu nhập khẩu gỗ óc chó đen từ các bang Wisconsin, Missouri và Iowa của Mỹ.

Nhưng sau khi chiến tranh thương mại nổ ra vào năm ngoái, lợi nhuận mà Xu thu được bị “tàn phá” nghiêm trọng do mức thuế 20% Trung Quốc đánh vào sản phẩm gỗ xẻ mà anh đang nhập khẩu.

Do đó, anh chuyển hướng sang nhập khẩu các sản phẩm gỗ bán thành phẩm khi chúng chỉ phải chịu mức thuế 5%.

Nhà nhập khẩu gỗ của Trung Quốc khốn khổ vì chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Xu bắt đầu nhập khẩu gỗ óc chó đen từ các bang Wisconsin, Missouri và Iowa của Mỹ từ năm 2017. Ảnh: AFP.

Không có lựa chọn tối ưu

Cuộc chiến thương mại cũng khiến nhân dân tệ mất giá, hàng hóa nhập khẩu của Xu gián tiếp trở nên đắt đỏ hơn. Nhìn chung, chi phí nhập khẩu hàng hóa của anh tăng khoảng 20% so với năm 2018.

“Mục tiêu doanh số của công ty tôi trong năm 2018 là 50 triệu nhân dân tệ (tương đương 7.25 triệu USD), nhưng chúng tôi chỉ thu về được có 13 triệu nhân dân tệ mà thôi”, anh chia sẻ.

“Chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng trực tiếp và hết sức nặng nề lên tình hình kinh doanh của công ty”.

Trước khi bị áp thuế, Sam Wood có thể thu về từ 5 đến 6 triệu nhân dân tệ hàng tháng. Nhưng trong 3 tháng đầu năm 2019, công ty chỉ thu về vỏn vẹn 4 triệu nhân dân tệ.

“Chúng tôi đang phải chịu sức ép rất lớn. Đơn hàng thì ít hơn, lợi nhuận thì sụt giảm”, Xu than vãn. Thời gian gần đây, anh đã phải cho tạm dừng hoạt động nhập khẩu.

Anh cũng đã phải rất kiềm chế để không chuyển phần chi phí tăng thêm cho các khách hàng, ví dụ như công ty Hanning Group, một doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, gần với Thượng Hải, chuyên sản xuất đồ nội thất từ gỗ nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á.

Nếu như hàng rào thuế quan tiếp tục gia tăng, “các công ty trên toàn thị trường sẽ phải chịu rất nhiều áp lực về mặt chi phí”, theo Wu Bian, chủ tịch của Hanning.

“Chúng tôi không thể để bị kiểm soát bởi cảm xúc mà phải bình tâm suy nghĩ. Làm cách nào để có thể đối phó với tình hình thực tại”.

“Chúng tôi phải đối mặt với nó và bước về phía trước để mạnh mẽ hơn”.

Xu cho biết một vài công ty cũng nhập khẩu gỗ từ Mỹ đã phá sản, và anh sẽ sớm phải nâng giá bán. Nhiều nhà cung cấp phía Mỹ của công ty cũng phàn nàn với anh về những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại và Xu dự đoán rằng một vài trong số họ cũng không thể trụ lại đến hết năm nay.

Những cản trở trong dòng chảy thương mại đang buộc các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải tìm những nguồn hàng mới. Nhưng đó cũng không phải là điều dễ dàng đối với Xu khi có thể tìm ra những sự thay thế phù hợp.

“Không có một sự lựa chọn nào tốt cả và chúng tôi đang chờ đợi những diến biến tiếp theo của cuộc chiến này”, anh cho biết.

“Vì sự công bằng và với lòng tự tôn dân tộc, chúng tôi phải cứng rắn đối mặt với khó khăn”.

Nguồn: http://cafef.vn/nha-nhap-khau-go-cua-trung-quoc-khon-kho-vi-chien-tranh-thuong-mai-20190606210843417.chn