Ảnh minh họa (Ảnh: NH)

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên

Thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg. Tổng kinh phí đã hỗ trợ trong 4 năm (2015-2018) đạt 332.180 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và sử dụng vật liệu thay thế. Việc khai thác tận dụng gỗ chỉ thực hiện đối với diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Trong quản lý chuyển mục đích sử dụng rừng, tính đến 31/12/2018, Bộ NN&PTNT đã nhận được báo cáo của 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 37 tỉnh có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng với 2.954 dự án, đề nghị chuyển mục đích 136.769 ha rừng, gồm rừng tự nhiên 31.932 ha, rừng trồng 68.799 ha, đất chưa có rừng 13.700 ha, chưa xác định 22.338 ha. Bộ NN&PTNT đã tổ chức rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 22 tỉnh và 86 dự án, chiếm 3% số dự án đề xuất; diện tích 1.489 ha (trong đó rừng tự nhiên 963ha), chiếm 1,9% tổng diện tích đề nghị của địa phương. Đây là kết quả thể hiện rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có rừng tự nhiên.

Đặc biệt, trong công tác chống chặt phá rừng trái pháp luật, 3 năm qua, (2016-2018), bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 35% so với bình quân 5 năm 2011-2015, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 1.873 ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015.

Cùng với đó, diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng. Tính đến 31/12/2018, tổng diện tích rừng cả nước đạt 14.484.055 ha, tăng 106.374 ha so với năm 2016. Độ che phủ rừng đạt 41,65%, tăng 0,46% so với năm 2016.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.  

Trong đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, thực hiện quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, các cấp, các ngành có hành động nhất quán. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hoạt động công ích theo quy định của nhà nước.

Song song với đó, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát nghiêm túc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án cần chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết.

Đồng thời, kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, kiên quyết chống chặt phá rừng trái pháp luật, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương không thể giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, kéo dài, theo Bộ NN&PTNT, cần đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ để điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật./.