Thủ tướng: Việt Nam phải là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới

Ngày 27/11, hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tổ chức.

Để thực hiện Nghị quyết tam nông, Ban bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo đề án "Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa"; ban hành chỉ thị về thực hiện một số nhiệm vụ cấp thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Quốc hội đã ban hành 31 Luật, 11 Nghị quyết, tổ chức 4 đợt giám sát nội dung liên quan. Thủ tướng cũng đã phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Theo Phó ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nền nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng gần 3,5 lần, từ hơn 9 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5% mỗi năm.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đánh giá, xuất khẩu nông sản của Việt Nam phát triển mạnh trong 10 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng từ gần 16,5 tỷ USD năm 2009 lên gần 36,4 tỷ USD năm 2017. Các mặt hàng chủ lực gồm gạo, cà phê, cao su, chè, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ, mây tre, cói... Nông nghiệp liên tục xuất siêu với mức bình quân 8 tỷ USD mỗi năm, giai đoạn 2008-2017.

Tuy nhiên, Viện Chính sách cũng khẳng định, nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị thấp vì 50% còn ở dạng thô, phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Chất lượng một phần nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu; chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít.

Viện cho rằng thời gian tới nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục duy trì lợi thế bằng khai thác tài nguyên và giá rẻ, phải chuẩn bị năng lực cạnh tranh khi tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Việt Nam cần phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, xây dựng chuỗi liên kết giá trị và có chính sách bảo hiểm thích hợp để xử lý rủi ro; cơ cấu lại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, tăng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đồ nội thất, sản phẩm hữu cơ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại triển lãm sản phẩm nông nghiệp ngày 27/11. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại triển lãm sản phẩm nông nghiệp ngày 27/11. Ảnh: VGP

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nghị quyết tam nông đã đưa đời sống của nông dân phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Tổ chức sản xuất nông nghiệp đã được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Có 50.000 doanh nghiệp làm việc liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. "Nông nghiệp đã được đặt chân vào thị trường năm châu bốn biển", ông Phúc nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng dù được ưu ái, tổng GDP ngành nông nghiệp đóng góp cho nền kinh tế rất ít. Cả nước có hơn 33 triệu hecta đất nông nghiệp nhưng hiệu quả không cao, số doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 1% của cả nước, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ...

"Hàng nông sản Việt Nam vẫn đang xuất thô, chưa qua chế biến, tỷ lệ thải loại rất cao, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến chưa tốt, vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức", Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải hướng nền nông nghiệp Việt Nam sạch, an toàn, nghiêm trị những kẻ đưa phân bón, thuốc trừ sâu quá mức vào sản phẩm tiêu dùng.

Để tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng cho rằng phải sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước phục vụ nông nghiệp và chủ động ứng phó khí hậu. Đầu tiên là chuyển đất lúa sang trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản...

"Đề nghị Ban chỉ đạo kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ quy định về tích tụ ruộng đất, chuyển bớt một phần diện tích đất lúa sang trồng sầu riêng, bưởi, cam... trên cơ sở vẫn đảm bảo an ninh lương thực", Thủ tướng nói.

Ông cũng cho rằng, rừng và đất rừng phải tính toán lại để Việt Nam là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới từ rừng trồng. Bên cạnh việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, cần tính toán không để tình trạng có 14 triệu ha rừng nhưng đóng góp cho phát triển nông nghiệp thấp, người dân sống dưới rừng còn khó khăn.

"Lai Châu, Điện Biên, Đăk Nông có rừng và đất rừng lớn, nhưng đói nghèo và phá rừng cũng nhiều. Nếu rừng trồng với kích cỡ gỗ lớn, trong 10 năm thì 90% có độ che phủ. Khi đó, chúng ta có nguyện vọng xây dựng trung tâm nội thất thế giới từ gỗ rừng trồng", Thủ tướng nói và kể chuyện đầu tháng 11 tham dự hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Khi hỏi thích sản phẩm gì của Việt Nam nhất, họ nói là đồ gỗ Việt Nam. 

Người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm phải phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ từ trung ương đến địa phương, để người dân trên thế giới và gần 100 triệu dân Việt Nam yên tâm với sản phẩm nông nghiệp do Việt Nam làm ra. Nông nghiệp cũng phải thực hiện theo hướng sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh vì hiện các bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, ung thư... ngày càng nhiều. 

Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-viet-nam-phai-la-trung-tam-do-go-va-noi-that-cua-the-gioi-3845506.html