Vừa mừng vừa lo khi gia tăng FDI vào ngành gỗ

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): 11 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,64 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018. Cả năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự kiến nắm chắc con số 11 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 81% tổng giá trị xuất khẩu. Tính riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 4,2 tỷ USD, tăng tới 34,5%.

Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác. Việc tận dụng tốt các cơ hội là động lực thúc đẩu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt.

Theo báo cáo "Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam" của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây.

Trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn. Tính đến hết tháng 9/2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018.

Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018; tiếp đến là Trung Quốc, Hoa Kỳ và British Virgin Island. Tổng số vốn tăng trong 9 tháng năm 2019 đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.