Dịch Covid-19 bùng phát trở lại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc hay Nhật Bản, một lần nữa, lại trở thành trở ngại lớn cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, khi sản xuất mới chỉ bắt đầu trở lại bình thường trong khoảng một thời gian ngắn, những chính sách hỗ trợ từ chính phủ còn chưa kịp được tận dụng hết, và chuỗi cung ứng cũng chưa hồi phục lại như lúc đầu.
Những rủi ro từ các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ và Hàn Quốc là một trở ngại khác mà ngành gỗ phải vượt qua trong thời gian tới. Có thể nói, đây là những tác động lớn có thể đánh gục bất cứ ngành công nghiệp nào hay nền kinh tế nào. Nhưng sự khác biệt chính là nền tảng phát triển của ngành gỗ đã khác nhiều so với thời điểm cách đây hơn 10 năm, khi thế giới bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế.
Nhưng trong tháng 7 năm 2020, bốn thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam, chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu, đứng đầu là Mỹ (54%), tiếp theo là Nhật Bản (11%), Hàn Quốc (7%) và EU (6,5%) đều có mức tăng nhanh so với tháng trước đó. Điều đó có nghĩa là sự bền bỉ, kiên trì và sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp gỗ đã giúp cho ngành vượt lên trên những khó khăn và duy trì được sự phát triển của mình, ở mức tốt nhất có thể, với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu 2020 tiếp tục tăng trưởng mặc dù ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này thể hiện nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Và đó đã là một thành công.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà dịch bệnh và các vụ kiện chống bán phá giá đã tạo ra những thay đổi căn bản cho ngành gỗ, nhưng cùng lúc với những tác động tiêu cực còn có những tác động tích cực, chẳng hạn như ngành gỗ tìm thấy những hạn chế của mình, tìm ra những sản phẩm có tính chiến lược ở các thị trường lớn như Mỹ hay EU, cơ cấu dòng sản phẩm hợp lý hơn và chắc chắn là việc cơ cấu tổ chức, lao động, thị trường và nhân lực cũng được vạch ra một cách rõ ràng.
Theo các chuyên gia nhận định, với tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp, ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch và phù hợp với tình hình mới. Điều này đòi hỏi ngành cần nhanh chóng xác định chiến lược phát triển về mặt thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa và về các dòng sản phẩm.
Việc phát triển thị trường và các dòng sản phẩm chiến lược cần được đặt ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bởi dịch bệnh và căng thẳng về thương mại quốc tế. Chiến lược này cần dựa trên các yếu tố giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về gian lận thương mại, nhằm tránh các tác động tiêu cực tới ngành.
Nguồn: http://goviet.org.vn/bai-viet/vuot-tren-khung-hoang-cham-tay-vao-dich-9165