Dự án FLEGT-VPA

Tỉnh Bình Dương nằm ở vị trí chiến lược, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, và là trung tâm chế biến gỗ của cả nước. Bình Dương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, bao gồm cả doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước và FDI với số lượng hơn 600 doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 15% và trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt tỷ lệ gần 50% Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của cả nước.

Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Bình Dương chủ yếu là Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Hoa Kỳ có đạo luật Lacey (Lacey Act) liên quan đến việc xác định nguồn gốc gỗ hợp pháp và Châu Âu có Quy chế gỗ Châu Âu (EUTR 995/2010) yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường Châu Âu phải thực hiện “trách nhiệm giải trình”. Một rủi ro trong kinh doanh xuất khẩu là tính pháp lý của nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ đối mặt thêm với việc không nắm thông tin các quy định của từng thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ không kiểm soát được thị trường xuất khẩu do chỉ tập trung bán hàng cho đối tác, sản xuất theo yêu cầu của đối tác. Đây sẽ là vấn đề ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp và của toàn ngành.

Luật LACEY (có hiệu lực từ ngày 1/4/2010) cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ. Luật này quy định, các nhà nhập khẩu phải khai báo tên khoa học của các loại gỗ cấu thành trong sản phẩm, tên quốc gia nơi gỗ được khai thác, số lượng, giá trị. Luật nói rõ, các công ty xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ phải biết rõ nguồn gốc nguyên liệu của mình và không thể chỉ đơn giản là dựa vào tài liệu của bên cung cấp, mà phải chịu trách nhiệm với các hành động vi phạm luật. Luật LACEY dựa trên bằng chứng hơn là tài liệu, nên nếu sản phẩm nhập khẩu có bằng chứng bất hợp pháp, bằng chứng này sẽ gạt bỏ tất cả các tài liệu chứng minh ngược lại. Luật phạt rất nặng những vi phạm buôn bán gỗ bất hợp pháp. Nếu buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp sẽ bị phạt 500 ngàn USD đối với DN, 250 ngàn USD đối với cá nhân, hình phạt cao nhất là bỏ tù 5 năm; đối với việc khai báo nhập khẩu sai nguồn gốc gỗ, DN bị phạt 10 ngàn USD, có thể bị giam đến 2-3 năm và trong tất cả các trường hợp hàng hóa sẽ bị tịch thu.

Tháng 10 năm 2010, Nghị viện và Hội đồng Liên minh Châu Âu đã thông qua Quy chế 995/2010 hay còn gọi là Quy chế gỗ châu Âu (EUTR) và quy chế này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/3/2013. Đây là quy định của Liên minh Châu Âu trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động FLEGT nhằm đưa ra các quy định cấm nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào thị trường Châu Âu và yêu cầu các nhà kinh doanh cung cấp gỗ và các sản phẩm gỗ lần đầu tiên vào thị trường Châu Âu phải thực hiện “trách nhiệm giải trình”. Quy định áp dụng cho toàn bộ hoạt động thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường EU và bắt buộc đối với cả gỗ nhập khẩu và gỗ sản xuất tại EU. Ấn phẩm và nguyên liệu tái chế không thuộc phạm vi điều chỉnh của EUTR. Quy định về gỗ của EU (EUTR) có giá trị pháp lý tại 28 nước thành viên từ ngày 3 tháng 3 năm 2013 và Quy định chỉ áp dụng cho gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU kể từ ngày có hiệu lực.

Chính phủ Việt Nam nghiêm cấm khai thác gỗ từ tự nhiên để bảo vệ thiên nhiên hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ rừng… Nguồn gỗ nguyên liệu dùng trong ngành chế biến gỗ chủ yếu từ gỗ rừng trồng. Các loại gỗ như cao su, keo, tràm… từ rừng trồng tập trung sẽ phải qua kiểm lâm ký để xác nhận nguồn gốc hợp pháp. Các loại gỗ tận dụng từ cây ăn quả sau khi thu hoạch quả như xoài, mít, điều… nếu muốn xác minh nguồn gốc hợp pháp sẽ do Ủy ban nhân dân xã/phường ký xác nhận. Theo đó, luật của Việt Nam quy định gỗ là hợp pháp nếu cá nhân/hộ gia đình trồng rừng có giấy xác nhận do Ủy ban nhân dân xã/phường ký, nếu là tổ chức hoặc công ty Thương mại thì phải có xác nhận của Kiểm lâm.

Đa số các nhà nhập khẩu Châu Âu, khi nghi ngờ tính hợp pháp của lô hàng nhập, họ sẽ yêu cầu người bán cung cấp các chứng từ để chứng minh về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Một bộ chứng từ đầy đủ mà doanh nghiệp phải chuẩn bị trước khi xuất hàng sang Hoa Kỳ hoặc các nước thuộc liên minh châu Âu cần phải có là:
  1. Invoice
  2. Packing list
  3. Certificate of Origin (C/O)
  4. Bill of Lading (B/L)
  5. Bảng kê lâm sản (Có xác nhận của Kiểm Lâm Việt Nam)
  6. Phytosanitary Certificate
  7. Giấy chứng nhận khai thác đối với gỗ tròn
  8. Hoặc Giấy phép khai thác
  9. Hoặc Giấy phép vận chuyển đối với gỗ ngoại lai từ rừng trồng ở các quốc gia Nam Mỹ như Brazil 
  10. Hoặc Đơn xin thanh lý nhà vườn đối với gỗ nguyên liệu mua từ các công ty Thương mại hoặc chủ vườn trong nước.

Kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Dương cho thấy để đáp ứng tốt trước các quy định của EUTR và Luật Lacey, các doanh nghiệp trước hết phải tạo được uy tín trước khách hàng bằng cách trình các chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc gỗ hợp pháp cho nhà nhập khẩu đầy đủ, đúng lúc, đúng yêu cầu. Một số doanh nghiệp chọn giải pháp mua gỗ nguyên liệu từ nhà cung cấp do khách hàng giới thiệu để chắc chắn đạt tiêu chuẩn gỗ hợp pháp của khách hàng nếu giá từ nhà cung cấp này tốt. Bên cạnh đó, năng lực của nhân viên cũng phải đảm bảo trong việc am hiểu về quy trình xuất nhập khẩu, lưu trữ hồ sơ từ đầu quá trình, kiểm tra tính hợp pháp của giấy chứng nhận xuất xứ, năng lực quản lý sản xuất, quản lý được nguyên liệu đầu vào, đầu ra theo từng lô hàng…

Hoa Kỳ và Châu Âu có các quy định về giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp là EUTR và Lacey Act tuy khá nghiêm ngặt nhưng nếu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng tốt, tạo độ tin cậy cao trước nhà nhập khẩu từ hai thị trường này thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng khi tiếp cận và làm việc với khách hàng đến từ các thị trường khác. Khi đáp ứng tốt các quy định trong EUTR và Lacey Act, năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng cao, từ đó tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI hoạt động cùng ngành.

Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nên từng bước đòi hỏi nhà cung cấp gỗ phải thực hiện các chứng chỉ gỗ đáng tin cậy như FSC, PEFC (những chứng chỉ được công nhận toàn cầu về quản lý rừng có trách nhiệm), tránh mua gỗ không biết rõ nguồn gốc, không truy xét được nguồn gốc. Doanh nghiệp phải hỏi nhà cung cấp các câu hỏi như chuỗi cung cấp của anh như thế nào, có thể truy nguyên tới khu rừng đó không, có tài liệu rõ ràng không, hợp pháp không...

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cũng phải có chính sách và quy trình nội bộ để tự truy tìm nguồn gốc gỗ, quy trình xác minh tính hợp pháp (nhất là khi mua sản phẩm từ các khu vực có mức độ khai thác bất hợp pháp cao), có kế hoạch đánh giá nguồn gốc gỗ và công tác xin cấp chứng chỉ nguồn gốc gỗ hợp pháp do bên thứ ba cấp. Quy trình này còn gọi là chuỗi hành trình để truy xét nguồn gốc nguyên liệu gỗ CoC (Chain of Custody). Cả Đạo luật LACEY và Quy định về trách nhiệm giải trình FLEGT (EU) đều đòi hỏi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ phải có chuỗi hành trình truy xét nguồn gốc nguyên liệu gỗ CoC. Chuỗi CoC sẽ kiểm tra tất cả từng khâu từ khai thác gỗ tại rừng, vận chuyển và lưu bãi, từ chế biến sơ chế đến thành phẩm, vận chuyển, xuất khẩu…và đều phải có tài liệu xác minh, truy xét khi cần. Có thể nói, CoC là hệ thống cho phép truy tìm nguồn gốc gỗ của sản phẩm gỗ qua tất cả các công đoạn từ khai thác nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm.

Do các hành động vi phạm LACEY, FLEGT đều có thể xuất hiện bất kỳ điểm nào trong chuỗi hành trình từ các công đoạn trên, nên doanh nghiệp phải thực hiện CoC, nghĩa là phải có cán bộ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, cần có quy trình kiểm soát nguồn gỗ, đào tạo và tăng năng lực cho nhân viên trong công tác CoC, nhất là phải luôn có đủ bằng chứng về nguồn gốc gỗ, phải được bên thứ 3 chứng thực để xuất trình khi nhà nhập khẩu yêu cầu. Để tăng cạnh tranh ở thị trường Mỹ và EU, doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải thích ứng ngay với công tác thu mua nguyên liệu và hệ thống CoC nhằm đáp ứng Luật LACEY và Quy định về trách nhiệm giải trình của EU.

Các phương tiện truy tìm nguồn gốc gỗ có thể gồm: Tiến hành nghiên cứu độc lập về nhà cung cấp thông qua các thông tin từ Internet, qua các mối quan hệ kinh doanh khác, qua việc yêu cầu nhà cung cấp trả lời các câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm bằng văn bản, thực hiện những chuyến thăm nhà cung cấp và khu vực rừng nếu có thể. Thường các sản phẩm gỗ bất hợp pháp luôn đi kèm với giấy tờ giả mạo, vì thế việc đánh giá nhà cung cấp, tạo dựng tin cậy đối với họ để có được nguồn gỗ hợp pháp là điều rất quan trọng. Hơn nữa, Doanh nghiệp cũng phải có hệ thống quản lý đánh giá rủi ro khi vô tình phạm luật để có trước phương án xử lý.

EU đang có kế hoạch hợp tác cùng các Hiệp hội ngành chế biến gỗ ba vùng Bắc, Trung, Nam Việt Nam để đào tạo CoC, xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ, cập nhật về FLEGT – VPA thông qua các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trước các quy định của Hoa Kỳ và EU và trước thềm ký kết Hiệp định VPA.