Giới thiệu chung về FLEGT-VPA

 

Giới thiệu chung về FLEGT-VPA
Việt Nam là một trong những quốc gia chế biến gỗ lớn trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu gỗ từ khoảng 80 quốc gia, những năm gần đây, gỗ nhập chủ yếu từ Cam-Pu-Chia, Lào, Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Ma-Lai-Xia. Với khoảng 45% diện tích đất có rừng che phủ, gỗ rừng trồng trong nước được sử dụng trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ dăm ngày càng tăng. Đồ gỗ Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường có ý thức về môi trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Các thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ. Các nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam đã đưa ra nhiều văn bản pháp luật và các chính sách để đảm bảo việc xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, trong đó có Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật Quản trị trừng và Thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA)
Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Theo VPA, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) để xác minh gỗ xuất khẩu là gỗ hợp pháp, và EU chỉ chấp nhận gỗ hợp pháp được cấp phép FLEGT nhập khẩu vào EU khi VPA được ký kết và hệ thống cấp phép đi vào vận hành.
Nội dung chính của VPA là các cam kết chi tiết về việc thiết lập và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam, cho phép xác minh sản phẩm gỗ hợp pháp, từ đó cấp phép FLEGT cho các sản phẩm này. Sau khi hệ thống VNTLAS đã đi vào vận hành và hệ thống cấp phép FLEGT hoạt động, chỉ có sản phẩm gỗ đã được cơ quan có thẩm quyền của VN cấp giấy phép FLEGT mới được phép XK vào EU. Phía EU cũng sẽ chỉ cho phép gỗ Việt Nam đã được cấp giấy phép FLEGT vẫn còn hiệu lực vào EU. Gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT đương nhiên đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về gỗ (EUTR).
VPA định nghĩa ‘‘gỗ được sản xuất một cách hợp pháp” là sản phẩm gỗ được khai thác hay nhập khẩu và chế biến tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, được nêu rõ trong định nghĩa hợp pháp và các điều khoản thích hợp khác của VPA. Trong trường hợp gỗ nhập khẩu, “gỗ được sản xuất chế biến hợp pháp” có nghĩa là sản phẩm gỗ được khai thác, chế biến, và xuất khẩu tuân thủ pháp luật của nước khai thác (bao gồm quyền khai thác, hoạt động lâm nghiệp, thuế, phí, thương mại và hải quan). Định nghĩa hợp pháp trong VPA nêu các yêu cầu cơ bản của pháp luật Việt Nam áp dụng đối với gỗ về mặt nguyên tắc, tiêu chí, và bằng chứng xác minh. Tất cả các yếu tố và tiêu chí nêu trong định nghĩa tính hợp pháp cần phải được tuân thủ thì gỗ và sản phẩm gỗ đó mới được coi là sản xuất hợp pháp. Định nghĩa tính hợp pháp trong VPA được chia thành hai phần: “tổ chức” (các chủ thể đăng ký là doanh nghiệp hay hợp tác xã) và “hộ gia đình” (bao gồm các hộ cá thể, cá nhân, và cộng đồng thôn cư).
VNTLAS là cốt lõi của VPA, đây là hệ thống đảm bảo các sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp dựa trên những yêu cầu cụ thể trong toàn bộ chuỗi cung, từ khi gỗ còn trong rừng hay từ thời điểm gỗ được nhập khẩu cho đến điểm cuối cùng là xuất khẩu hay gỗ được bán ra. Phạm vi kiểm soát của VNTLAS áp dụng cho: 
• Tất cả các nguồn gỗ được liệt kê trong Phần 2.1.1 Phụ lục V của VPA. 
• Tất cả các loại sản phẩm gỗ được liệt kê trong Phụ lục I. 
• Tất cả các nhà khai thác (tổ chức và hộ gia đình) trong chuỗi cung ứng gỗ.
Phân loại tổ chức (OCS) là một cấu phần không thể tách rời của Hiệp định VPA/FLEGT, với tổng số khoảng 4800 doanh nghiệp hiện nay trên toàn quốc tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ. Hoạt động nhập xuất lâm sản diễn ra hàng ngày liên tục, mọi lúc mọi nơi theo yêu cầu đòi hỏi của thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Do vậy, để đảm bảo chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc gỗ được sản xuất và lưu thông tuân thủ định nghĩa gỗ hợp pháp. Thì phương pháp xác minh dựa trên rủi ro là một giải pháp tối ưu, theo đó phân loại tổ chức để xác định mức độ rủi ro của các tổ chức nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu trên
Mục tiêu của phân loại tổ chức là (a) đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các tổ chức thuộc VNTLAS đến việc tuân thủ đầy đủ yêu cầu của LD nhằm có biện pháp xác minh phù hợp trước khi cấp phép FLEGT một cách hiệu quả và kịp thời và (b) đánh giá việc tuân thủ pháp luật của tổ chức theo các bằng chứng tĩnh và bằng chứng động như được mô tả trong LD; và (c) giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức.