Cẩm nang 1001 cải tiến trong ngành chế biến gỗ (Tập 1)

Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới liên tục thay đổi và phát triển. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ cần có tầm nhìn rộng hơn và liên tục cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng để tồn tại trong cuộc chơi mang tính toàn cầu này. Trong nhiều năm hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam, dự án Phát triển Doanh nghiệp Bền vững (SCORE) đã mang lại nhiều thành tựu có giá trị góp phần xây dựng năng lực vững mạnh cho doanh nghiệp. Đó là những hoạt động cải tiến mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như điều kiện làm việc cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã thu được hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ các cải tiến có giá trị. Những bài học cải tiến vô giá này sẽ được đúc kết trong cuốn Cẩm nang "1001 cải tiến trong ngành chế biến gỗ" và phát hành thành nhiều tập để chia sẻ rộng rãi đến các cộng đồng doanh nghiệp xuyên suốt trong chuỗi giá trị của ngành.

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp và uy tín của thế giới, ngành gỗ liên tục tìm các giải pháp mới cho vấn đề thị trường, các phương thức tiếp thị, năng lực thiết kế, hiện đại hóa trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, điểm cốt lõi vẫn nằm ở khả năng sản xuất và tăng năng suất của doanh nghiệp. Sức lan tỏa và ảnh hưởng xuyên suốt từ làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 càng cho thấy sự cần thiết của đổi mới sản xuất. Cẩm nang "1001 cải tiến trong ngành chế biến gỗ" tập hai một lần nữa khẳng định thành quả của Dự án Phát triển Doanh nghiệp Bền vững - SCORE đã và đang thực hiện cho các doanh nghiệp. Phong trào cải tiến đã bước đầu lan rộng trong đời sống của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia ước tính, các cải tiến trong tập hai này sẽ thu về cho doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả không chỉ nằm ở con số định lượng, mà quan trọng nhất chính là sự thay đổi tư duy sản xuất của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khuyến khích và trao quyền cho người lao động tham gia vào các hoạt động cải tiến nơi làm việc. Sự kết hợp giữa hai cấp tạo ra những thay đổi trong tư duy, phương thức và hiệu quả sản xuất ở mức tốt nhất.