Ngành gỗ: Tiếp tục một năm thắng lợi

Năm 2018 dần khép lại, ngành gỗ cả nước đã cán cột mốc 8 tỷ USD xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định, năm 2019 ngành gỗ tiếp tục có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu, do vậy khả năng sẽ duy trì đà tăng trưởng cao.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Gỗ Kaiser 1, KCN Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát. Ảnh: XUÂN THI

Tăng trưởng ổn định

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), năm 2018 tiếp tục là năm thành công của ngành gỗ cả nước, với mức tăng trưởng đạt gần 17% so với năm 2017, giá trị xuất siêu đạt hơn 6 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp gỗ trong nước là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, chiếm đến 87% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA, cho biết qua Hội chợ Bifa Wood 2018 cho thấy năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp gỗ trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng đã được nâng lên rõ nét; nổi bật là khoảng cách về công nghệ của các doanh nghiệp gỗ trong nước với doanh nghiệp gỗ của các quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Malaysia... đang được thu hẹp. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp gỗ trong nước tự tin vào mức tăng trưởng cao trong năm tới.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, việc xuất khẩu gỗ của Bình Dương giữ nhịp tăng trưởng tốt là nhờ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả những lợi thế có được. Cụ thể, sau khi Mỹ áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc, giá nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng cao khiến các đơn hàng đồ gỗ của Mỹ chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam hiện đã trở thành địa chỉ mua hàng đáng tin cậy của các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông… Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, trong đó có ngành gỗ, do đó kéo theo sự phát triển của ngành chế biến gỗ nói chung.

Theo BIFA, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp gỗ của Bình Dương đã có đơn hàng tới quý II-2019. Nguồn nguyên liệu chuẩn bị cho mùa sản xuất 2019 đã và đang được các doanh nghiệp gỗ chủ động dự trữ, bảo đảm sản xuất cung ứng kịp thời cho các đơn hàng. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguồn nguyên liệu gỗ từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... về phân phối lại cho hơn 600 doanh nghiệp gỗ. Việc các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất sẽ bảo đảm cho sự phát triển ổn định, lâu dài của các doanh nghiệp gỗ Bình Dương.

Hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 cả nước đã chuẩn bị được gần 663,5 triệu cây giống các loại; đã trồng được 186.834 ha rừng, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 11.466 ha, trong rừng sản xuất 175.368 ha, trồng cây phân tán 47 triệu cây... Đây là nguồn nguyên liệu cho chiến lược dài hơi cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ phục vụ sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ trong 5 - 10 năm tới. Điều đáng mừng là việc trồng rừng phục vụ cho nhu cầu sản xuất gỗ đang có sự tham gia của hàng ngàn hộ nông dân tại các khu vực phía Bắc, Tây nguyên, Đông Nam bộ.

Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cả nước cung cấp ra thị trường khoảng 4,5 - 5 triệu m3 gỗ cao su tròn. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng có nguồn gốc pháp lý rõ ràng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả cho tiêu dùng nội địa. Bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch xuất khẩu 1,7 - 1,8 tỷ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cả nước. Có thể thấy, chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đang dần hình thành. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn về nguyên liệu và những hộ nông dân tham gia trồng rừng có thể tăng cao mức thu nhập.

Ông Nguyễn Tấn Quốc, Giám đốc Công ty Gỗ Ánh Dương (TX.Dĩ An), chia sẻ để bảo đảm số lượng và chất lượng gỗ cho ngành công nghiệp gỗ, các ngành chức năng, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng về giống, biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng. Cụ thể là giống phải được nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống bằng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng cho rừng trồng. Ngoài cây keo, cây cao su, bồ đề, các đơn vị cần nghiên cứu bổ sung thêm một số loại cây mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như xoan đào, keo hoa vàng, giá tỵ…

Vừa qua, BIFA đã đề xuất đến cơ quan hữu quan cần xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung quy mô lớn ở những vùng trồng cây tập trung; đồng thời tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại ba miền Bắc, Trung, Nam để thuận tiện trong việc giao dịch và kiểm soát nguồn gốc gỗ. Nếu sớm thực hiện tốt điều này, chuỗi cung ứng gỗ sẽ được hình thành bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp an tâm sản xuất. Từ đó, ngành gỗ của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung sẽ có thêm điều kiện để tăng thị phần ở thị trường xuất khẩu.

Nguồn: http://baobinhduong.vn/nganh-go-tiep-tuc-mot-nam-thang-loi-a192508.html