Doanh nghiệp đồ gỗ: Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2005, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD với việc xuất khẩu sản phẩm đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt trên 9 tỷ USD (9,38 tỷ USD), chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam có mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều quốc gia phát triển.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, ngành gỗ đang có những bước chuyển dịch tích cực ở khâu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu sạch tăng, gỗ có nguồn gốc rủi ro giảm. Tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 7,6% so với 2017.

Ba nhóm mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. Năm 2018, giá trị nhập khẩu 3 nhóm mặt hàng này khoảng 2,2 tỷ USD, chiếm gần 93,6% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu tất cả các mặt hàng gỗ nhập vào Việt Nam trong cùng năm. Ngành đồ gỗ và nội thất Việt Nam hiện nay đang đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về giá trị xuất khẩu.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam đến năm 2025 là 20 tỷ USD, chiếm khoảng 10% thị phần thế giới (hiện đang là hơn 6% trong tổng giá trị thị trường xuất khẩu trên thế giới là 140 tỷ USD).

Hiện nay, nước ta dự tính có khoảng 3.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, 340 làng nghề gỗ và số lượng lớn các hộ gia đình sản xuất - kinh doanh đồ gỗ chưa được thống kê. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô đa phần là nhỏ.

Theo nguồn gốc vốn, 5% số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, 95% còn lại là thuộc khu vực tư nhân, trong đó có 16% có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cũng từ đây, Việt Nam xuất hiện không ít tên tuổi lớn về sản xuất gỗ nội thất như Công ty cổ phần Gỗ An Cường, Công ty TNHH Hào Hưng, Công ty cổ phần Đồ gỗ và Nội thất Nhật Việt, Công ty Gỗ Sao Nam…

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, các doanh nghiệp này vẫn “đơn thương, độc mã” trong quá trình hoạt động, chưa tìm được sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, nên “mạnh ai nấy làm”.

“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

Theo nhận định của các chuyên gia, hiếm có quốc gia mới bước vào nghề gỗ mà chiếm những vị trí hàng đầu, vì vậy thời gian tới không đơn thuần là làm gì để xuất khẩu cao hơn con số 9 tỷ USD như năm 2018, mà làm sao gia tăng giá trị sản phẩm cao hơn.

Các sản phẩm gỗ Việt hiện đã tiến “vào trong nhà - indoor” có giá trị gia tăng cao so với trước đây gia công nhiều các sản phẩm “ngoài trời - outdoor”. Đây mới là mảng sản phẩm khách hàng quốc tế chịu đầu tư kinh phí nhiều hơn, đòi hỏi khâu thiết kế, sáng tạo, góp phần quyết định trong việc tạo tác, tạo không gian sống.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp gỗ Việt Nam là giá trị gia tăng còn thấp. Những đơn hàng gia công cho các thương hiệu quốc tế số lượng thì nhiều, nhưng lợi nhuận mà doanh nghiệp có được từ sản phẩm không cao.

Nhờ số lượng lớn, doanh thu doanh nghiệp vẫn ổn định, nhưng người mua hàng luôn đòi hỏi giá giảm doanh nghiệp canh cánh bài toán giá thành. Nếu nhà nhập khẩu tìm được nhà cung cấp khác giá rẻ hơn, xem như doanh nghiệp bị động. Không có thiết kế, không có sản phẩm riêng, không có thương hiệu…, dẫu khả năng sản xuất tốt, dây chuyền hiện đại, chuyên môn hóa cao, chúng ta vẫn chỉ là những người ngồi chờ khách hàng, chờ cơ hội, chưa thể chủ động trong kinh doanh.

ảnh 1
Thị trường gỗ nội thất Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn 

Bên cạnh đó, còn tồn tại các rủi ro về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong một số chuỗi cung xuất khẩu đi các thị trường khác và đặc biệt trong chuỗi cung gỗ cho tiêu dùng nội địa. Các rủi ro này hình thành do việc duy trì sử dụng các loài gỗ tự nhiên, bao gồm một số loại gỗ quý được nhập khẩu từ các quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém.

Tuy lượng nhập khẩu các loài gỗ từ nguồn rủi ro giảm, trong 15 quốc gia cung cấp gỗ tròn lớn nhất cho Việt Nam năm 2018, có 7 quốc gia có nền quản trị rừng yếu kém. Lượng cung từ 7 quốc gia này lên tới 0,94 triệu m3, tương đương 40% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam trong năm. Ngoài ra, khoảng 64% lượng gỗ xẻ xuất khẩu từ Việt Nam là các loài gỗ quý có nguồn gốc nhập khẩu từ nguồn rủi ro cao.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên đã có bằng chứng về gian lận thương mại với Việt Nam là quốc gia trung chuyển, cũng như nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp từ sự bùng nổ làn sóng đầu tư và điều này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam.

Chính vì vậy, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, về chiến lược dài hạn, ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thay đổi cần đi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu.

Đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng sản phẩm. Điều này đòi hỏi ngành cần có sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu khác nhau của chuỗi cung ứng, đặc biệt trong các khâu như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh cho biết, thị trường gỗ nội thất hiện nay đang ở mức phẳng, người tiêu dùng rất nhiều lựa chọn. Các doanh nghiệp cũng hướng đến thị trường rộng hơn, có nhiều chính sách trong kinh doanh và điều cốt yếu vẫn là chất lượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải thay đổi về tư duy kinh doanh, phải liên kết lại với nhau thành hệ thống, hỗ trợ nhau, bù trừ mặt mạnh yếu của nhau để cùng phát triển.

Ông Quyền cũng cho rằng, việc thay đổi cần tiến hành ngay từ bây giờ. Đây không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp mà cần phải có môi trường thể chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các bên liên quan phát huy hết tiềm năng và hiệu quả của mình. Chính phủ cũng cần tập trung ưu tiên đầu tư vào các khâu như đào tạo tay nghề, xúc tiến thương mại, kết nối các khâu trong chuỗi cung theo hướng tạo sự chuyển đổi đột phá trong mô hình phát triển.

Cùng quan, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trend cho biết, việc kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt nguyên liệu từ các nguồn rủi ro cần được quan tâm hơn. Để làm được điều này, Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu nhập khẩu. Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam nhằm tiếp cận với các thông tin về gỗ nhập khẩu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp liên kết lại với nhau, mà cần sự vào cuộc của tất cả các ban ngành, liên quan để ngành gỗ Việt phát huy thế mạnh. Đơn cử, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cần thu thập thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu về thực trạng của nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào, chia sẻ các thông tin này với cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, các cơ quan quản lý, và khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng gỗ sạch. Từ đó, các doanh nghiệp có chính sách phát triển một cách phù hợp.

Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/vat-lieu/doanh-nghiep-do-go-muon-di-xa-hay-di-cung-nhau-208533.html