Ngành gỗ Bình Dương vững tin hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và những diễn biến của thị trường, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã nhanh chóng trở lại khôi phục sản xuất, kịp thời đáp ứng các đơn hàng tồn đọng. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều đã kín đơn hàng đến hết quý 3-2022, một số DN chốt xong đơn hàng hết năm 2022.

Đơn hàng tăng

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương đã thuận lợi đưa hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác. Các FTA đang tác động rất thuận cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam. Trong khi với thị trường Mỹ vốn xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. “Vấn đề còn lại là chúng ta tham gia vào chuỗi như thế nào. Các DN ngành gỗ đang rất quyết liệt chuyển đổi toàn bộ quy trình đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc, huyện Bắc Tân Uyên cho biết.

Thực tế, mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào các thị trường đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khối thị trường xuyên Thái Bình Dương còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện tại, nhiều DN đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý 2. Hiện nay ngoài thị trường Mỹ, Canada và Australia cũng là những thị trường tốt cho Việt Nam.

Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương (TP. Thuận An) cho biết, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quý 3, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý 4. Mặc dù ngành gỗ đang trên đà thuận lợi về đơn hàng, nhưng hầu hết các DN đang phải đau đầu vì nhiều chi phí phát sinh kể từ thời điểm cả nước gỡ bỏ phong tỏa cho đến nay. Điển hình như chi phí xăng dầu, nhiên liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí phụ trợ cũng tăng theo. Bên canh đó, chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao. Nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu nên DN bị “ăn” vào lợi nhuận. Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000 - 8.000 đô la Mỹ, đi Mỹ khoảng từ 10.000 - 12.000 đô la Mỹ. Nhưng có những đơn hàng, phải tốn đến 25.000 đô la Mỹ để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ.

Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên), nhiều DN đưa ra những ưu đãi rất lớn để thu hút nguồn nhân lực đang có nguy cơ thiếu hụt sau dịch. Với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, các nhà nhập khẩu, đối tác tại EU và Mỹ sẽ rất an tâm với đơn hàng sản xuất tại Việt Nam. Nhất là từ khi triển khai Nghị quyết 128, sản xuất không bị đình trệ do các DN được chủ động trong tổ chức sản xuất và phòng, chống dịch bệnh.

Vững vàng phát triển

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10-3-2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ đô la Mỹ. Không những vậy, cả nước phấn đấu có trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ngành gỗ Bình Dương tự tin với vai trò chủ lực của mình.

Ông Nguyễn Liêm cho biết năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ từ 17,5 - 18 tỷ đô la Mỹ hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ đô la Mỹ, đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ đô la Mỹ, viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ đô la Mỹ và gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ đô la Mỹ. Đặc biệt các nhóm sản phẩm đang có sức hút lớn là dăm và viên nén, vật liệu công nghiệp (đồ gỗ nội thất - ngoại thất) có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh từ các nước về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất cho thị trường Mỹ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén. Với những mục tiêu này, ông Nguyễn Liêm cho rằng các DN gỗ Bình Dương có thể làm tốt vai trò “nòng cốt” của mình trong việc giữ vững năng lực xuất khẩu.

Để đón đầu cho nhu cầu thị trường trong năm 2022, ngành gỗ Bình Dương đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương của ngành, như hội chợ “BIFA Wood Việt Nam 2022” vào tháng 8 tới đây. Trước mắt, trong 6 tháng đầu năm 2022, DN sẽ tập trung cho các đơn hàng có giá trị cao, chọn những đơn hàng sở trường của ngành gỗ Bình Dương, không ưu tiên cho mục tiêu số lượng tăng trưởng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, hiện nay đề án “Phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh, lấy ý kiến góp ý của BIFA để hoàn thiện trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Ngành công thương tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để tạo điều kiện cho ngành gỗ phát triển.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ hiện còn ít, thiết kế mẫu mã còn yếu, các chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để DN tận dụng cơ hội phát triển. Thời gian tới, ngành gỗ cần được quan tâm hơn nữa từ phía Chính phủ nhằm tạo sức đẩy để phát triển mạnh hơn. Hiện trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu. Do đó, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới.

 

Nguồn: https://goviet.org.vn/bai-viet/nganh-go-binh-duong-vung-tin-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-9708