Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao nhất trong lịch sử

Năm 2019 đạt kỉ lục xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay

Trong khi các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh nông nghiệp như như gạorau quả, thuỷ sản, hồ tiêu đang có chiều hướng giảm thì xuất khẩu lâm sản năm nay ước đạt hơn 11 tỉ USD, vượt kế hoạch đề ra của ngành hàng.

Cụ thể, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu tháng 12/2019 đạt 477,47 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 362,7 triệu USD, tăng gần 25%.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,99 tỉ USD, tăng 18,3% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 7,3 tỉ USD, tăng 22,3%.

Như vậy, chỉ mới giữa tháng 12/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt xấp xỉ 10 tỉ USD và khả năng lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD khi kết thúc năm 2019 là ngay trước mắt.

Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ngoạn mục - Ảnh 1.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 là 10,5 tỉ USD. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỉ USD, đạt 107% so với kế hoạch được giao đầu năm 10,5 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2018, mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ hai châu Á, thứ nhất ở Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 2,52 tỉ USD. 

Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao nhất trong lịch sử - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp số liệu Tổng cục hải quan. Thiết kế: NH.

Hiện tại, đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam được xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đạt 9,71 tỉ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. 

Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2019 có 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch trên 1 tỉ USD, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao nhất trong lịch sử - Ảnh 3.

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục hải quan. Thiết kế: Linh Phan

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) trong năm 2019, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với mức thặng dư 8,01 tỉ USD, tăng tới 21,5% so với cùng kì năm 2018.

Cũng trong năm 2019, Việt Nam đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 

Đây là một trong những động lực chính thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, bên cạnh việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Các động lực tăng trưởng xuất khẩu này cũng chính là yếu tố góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ của Việt Nam trong năm vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.

Lo ngại về gian lận xuất xứ vẫn mức cao

Theo phân tích của các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam.

Cụ thể đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây, trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và qui mô vốn đầu tư lớn.

Tính đến hết tháng 9/2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng kí cả năm 2018.

Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hong Kong (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018.

Tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ và British Virgin Island. Tổng số vốn đầu tư trong 9 tháng năm 2019 đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.

Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ngoạn mục - Ảnh 2.

Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ càng dấy lên lo ngại rủi ro về gian lận thương mại. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế từ 10 - 25% với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc hầu như không thể chịu nổi. Để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, họ buộc phải chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, trong đó điển hình là Việt Nam. 

Tuy nhiên, điều này đang buộc ngành gỗ đang phải đối mặt với những rủi ro về thị trường, cụ thể nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ sản phẩm ngày càng gia tăng ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.

Gian lận thương mại đối với các ngành hàng này cũng có thể được thực hiện qua hình thức “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”, với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, sử dụng các loại ván nguyên liệu nhập khẩu, không thông qua chế biến, hoặc chỉ chế biến sơ bộ ở Việt Nam, lấy nhãn mác tại Việt Nam để xuất khẩu.

Nguyên nhân là mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9% nhưng mặt hàng tương tự từ Việt Nam chỉ phải chịu 8%.

Hiện cơ quan thương mại của Mỹ đang tiến hành điều tra một số công ty của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam.

Theo Bộ Công thương trong bối cảnh mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đến nay thuế suất nhập khẩu đã nâng lên từ 10% lên 25% đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.

Theo đó, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ đang tăng nhanh, Nhà nước cần quản lí chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm né thuế và lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng.

Có thể thấy, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng “nóng”, thể hiện ở việc nâng cao kim ngạch, đặc biệt là xuất khẩu liên tiếp thiết lập kỉ lục ấn tượng như hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng dấy lên lo ngại rủi ro về gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp có diễn biến phức tạp cùng với cuộc chiến thương mại trên thế giới có chiều hướng kéo dài và khó lường sẽ tác động đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỉ USD năm 2020

Trong năm 2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường xuất khẩu chính. Đây là nền tảng thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020. 

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết năm 2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước hoàn thành mục tiêu 11 tỉ USD do Thủ tướng Chính phủ đặt hàng. 

Trong thời gian tới, ngành còn nhiều dư địa phát triển, với dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2020 có thể đạt từ 12 - 13 tỉ USD, năm 2025 đạt 20 tỉ USD.

Đây cũng chính là quan điểm của Bộ Công thương khi cho rằng trong năm 2020, ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 12,5 tỉ USD. 

Bởi ngoài thị trường lớn nhất là Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có cơ hội tăng trưởng mạnh ở một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, Anh, Canada, Đức, Hà Lan…

Trong đó, Nhật Bản và Canada là các thị trường thành viên trong Hiệp định CPTPP. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hai thị trường này trong năm 2019 tăng trưởng tốt, ngoài nhu cầu gia tăng, còn có sự đóng góp của việc bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ CPTPP.

Việc cam kết giảm thuế quan của các nước thành viên CPTPP đã làm tăng khả năng cạnh tranh của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam so với các nguồn cung khác ngoài CPTPP, giúp cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mở rộng tại các thị trường này.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Trong thời gian tới, khi EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào việc giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình. Khi ấy, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa cùng loại từ các nước chế biến gỗ khác chưa có FTA với EU.

Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ngoạn mục - Ảnh 3.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Như Huỳnh.

Với những tiềm năng hiện có, Chính phủ và doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt tổng giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu qui hoạch và thực thi tốt tầm nhìn vì vị thế ngành gỗ đang phát triển rất cao. 

Việt Nam được cho là đang chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn rất nhiều dư địa để phát triển. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị tốt, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới đang chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ. 

Thách thức xây dựng vùng nghiên liệu

Tuy vậy, theo ông Khanh, ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là trong việc xây dựng vùng nguyên liệu.

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng nhận định đây là nhiệm vụ rất nặng nề, phải giải bài toán tổng quát, trong đó, những vấn đề về nguồn nguyên liệu gỗ để đáp ứng mục tiêu này cần phải được đảm bảo tối đa, trong đó, có nguồn nguyên liệu từ rừng trồng, xây dựng một số trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú, dồi dào ở các vùng sản xuất. 

Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI nhưng thận trọng với các nguồn vốn có thể gây ảnh hưởng tới hình ảnh gỗ Việt Nam hoặc đội lốt xuất xứ Việt Nam.

Cụ thể, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cần rà soát lại các loại hình đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam bao gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Trong số đó, nên ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có qui mô nhỏ, đặc biệt là dự án đầu tư mới có vốn đăng kí nhỏ trong năm 2019.

Hiện xuất khẩu lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, cụ thể xuất khẩu vào Mỹ chiếm xấp xỉ 51%, Trung Quốc 10,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước.

Trong bối cảnh cuốc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những bất ổn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường với xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đòi hỏi ngành lâm nghiệp năm 2020 phải đặc biệt chủ động nắm bắt, tìm hiểu để có những quyết sách, chiến lược điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, điều quan trọng là các doanh nghiệp gỗ trong nước cần tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương nhận định.

Nguồn:https://vietnambiz.vn/vuot-mat-nhieu-nganh-hang-nam-2019-xuat-khau-go-va-san-pham-go-dat-muc-cao-nhat-trong-lich-su-20200102112625027.htm