TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRƯỚC DIỄN BIẾN DỊCH BỆNH COVID-19

Vào ngày 23/03/2020 vừa qua, đại diện các Hiệp hội ngành hàng của tỉnh Bình Dương đã họp cùng Sở Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Liêm - Phó Chủ tịch  đã chia sẻ trực tiếp đến lãnh đạo Sở và đại diện các cơ quan ban ngành của tỉnh những khó khăn mà doanh nghiệp hội viên đang gặp phải.

Đầu tiên, các doanh nghiệp đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là các nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, mặc dù phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ đều cố gắng thực hiện các biện pháp phòng dịch như: đo thân nhiệt ngay cổng nhà máy, cho uống Vitamin C, phát khẩu trang y tế,… Nhưng việc quản lý người lao động trong diễn biến khó lường của dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn vì không có hướng dẫn cụ thể và nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng vào nhà máy là rất cao.

            Đo thân nhiệt trước khi vào nhà máy tại Công ty TNHH Nguyễn Thanh

Đứng trước khó khăn kép do thiếu nguyên phụ liệu đồng thời do nhiều quốc gia phong tỏa để phòng chống dịch bệnh nên nhiều khách hàng lớn phải đóng cửa hàng, siêu thị do đó không tiếp tục đặt đơn hàng mới, đối với các đơn hàng hiện tại họ yêu cầu hủy hoặc giãn ngày giao hàng. Điều này làm cho đơn hàng giảm trong khi đó tồn kho của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến gánh nặng chi phí lãi vay, chi phí quản lý, khi không xuất được hàng thì doanh nghiệp không thể có tiền để trả nợ vay, trả lãi, trả tiền lương, thuế, bảo hiểm… buộc doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm biên chế hoặc phải đóng cửa.

Để có phương hướng hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn Tỉnh Bình Dương, hiện đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Nguyễn Liêm đã đưa ra những đề xuất trực tiếp đến Sở Công thương như sau:

1. Giảm ngay lãi suất cho vay, giãn nợ (việc này các ngân hàng vẫn chưa áp dụng)

2. Thuế VAT nhập khẩu cho thanh toán trả chậm 30 ngày như trước đây, cho ứng trước tiền hoàn thuế đồng thời gian giải quyết hoàn thuế nhanh cho DN.

3. Giãn thời gian thanh toán tiền thuê đất và có thể thanh toán thành nhiều kỳ.

4. Hoãn đóng BHXH cho tất cả các DN chứ không chỉ dành cho DN có 50% LĐ nghỉ việc...

5. Cho DN thỏa thuận lương với người LĐ trong việc giãn giờ làm, nghỉ không lương hoặc khi doanh nghiệp đóng cửa, đồng thời LĐLĐ cần tuyên truyền đến người lao động các chính sách này.

6. Có chính sách hỗ trợ và cần có hướng dẫn rõ ràng cho các DN có trường hợp nhiễm Covid-19 và bị cách ly.

 Giải pháp nào giúp doanh nghiệp vượt chướng Covid-19?

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho hay:

“Với tình hình dịch bệnh này thực sự chúng ta không còn nhiều lựa chọn. Trong vòng một tuần nữa hầu như các doanh nghiệp sẽ phải đi đến tạm đóng cửa. Trong điều kiện này sự tồn tại của doanh nghiệp không để phá sản là quan trọng nhất. Để làm được điều này cá nhân tôi thấy cần tập trung thực hiện 2 việc sau:

Tác động chính sách

- Tín dụng: giãn ngay các khoản tín dụng đến hạn, trước mắt là ba tháng. Lãi suất cho vay cần phải đưa về từ 0% đến tối đa 2%.

- Các khoản thuế: mọi khoản thuế cần được giãn ra tối thiểu là 3 tháng. Tuỳ tình hình giãn tiếp.

- Lương công nhân: trường hợp doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh thì các doanh nghiệp đó không phải trả lương cho cán bộ công nhân viên trong thời gian có dịch (giống như thời chiến).

Về vấn đề tiếp tục duy trì hoạt động của DN

Tổng cầu thị trường các nước thời kỳ đầu này về bản chất không thay đổi nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải tạm ngừng hầu hết các hoạt động. Dần dần phát sinh tâm lý lo âu, sợ hãi, bất ổn dẫn đến động cơ mua sắm giảm mạnh. Tuy nhiên con người ta vẫn sẽ muốn tìm mọi cách duy trì các hoạt động kinh tế nhưng phải an toàn vì vậy mua bán online sẽ trở thành giải pháp phù hợp hơn bao giờ hết. Amazon và Alibaba là 2 gã khổng lồ nhất hiện nay trên thế giới đã xây dựng thành công mô hình kinh doanh online này. Việc kinh doanh dựa trên nền tảng của 2 gã khổng lồ này sẽ giúp chúng ta tìm ra nhanh nhất các nhu cầu mua sắm còn tồn tại trong thời kỳ đại dịch này và tiếp sau sẽ là thời kỳ đại suy thoái. Chúng ta cần chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn kéo dài vài năm chứ không chỉ vài tháng.”

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tổng kết tại phiên họp

Về phía Sở Công Thương, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở cam kết ghi nhận tất cả ý kiến từ doanh nghiệp và Hiệp hội, đồng thời Sở sẽ làm kiến nghị gửi lên UBND tỉnh để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.