Hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân có cuộc sống liên quan đến rừng. Trong đó, LSNG gắn bó với khoảng hơn ba triệu đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao sống bên trong hoặc gần các khu rừng tự nhiên. Về nhu cầu sản xuất trong nước, LSNG đang trở thành nguồn nguyên liệu hữu ích cho nhiều làng nghề, như các làng nghề mây tre đan, các cơ sở sản xuất thuốc đông dược và chế biến nông sản thực phẩm. Còn với thị trường nước ngoài, hiện đã có hơn 40 loại LSNG có giá trị xuất khẩu cao, như: tinh dầu tràm, ba kích, sa nhân, song mây, quả trám, hạt dẻ, nhựa mủ trôm, thông nhựa, sâm, tam thất, nấm hương, thảo quả…Theo Phó Tổng Cục trưởng lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Ðiển, thực tế hiện nay, đóng góp của LSNG còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng. Năm 2017, giá trị xuất khẩu LSNG mới đạt 330 triệu USD; năm 2018, con số này khoảng 470 triệu USD, trong khi giá trị tiềm năng của LSNG và gỗ được đánh giá là xấp xỉ nhau. Cây LSNG hiện cũng được đánh giá là rất đa dạng (gồm khoảng 4.000 loài cây làm dược liệu, 500 loài cung cấp tinh dầu, hơn 200 loài tre nứa và khoảng 30 loài song mây...), nhiều loại mang giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Riêng hai cây lấy dầu là quế và hồi, cả nước có khoảng 150 nghìn ha, được trồng nhiều tại các tỉnh Quảng Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa. Nhờ đó, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản lượng quế, đứng thứ hai về sản lượng hồi. Quế được tiêu thụ mạnh ở các thị trường Ấn Ðộ, Trung Ðông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Mặc dù diện tích trồng quế, hồi chưa lớn nhưng đang là nguồn thu nhập đáng kể cho khoảng 200 nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vina Samex) Nguyễn Quế Anh cho biết, trong những năm qua, doanh nghiệp này cung cấp quế, hồi ổn định cho nhiều đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản và các nước Liên hiệp châu Âu (EU). Năm 2017, giá trị xuất khẩu của công ty đạt khoảng 12 triệu USD. Hiện công ty đang liên kết với hơn 5.000 hộ nông dân, chính quyền địa phương tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, đồng thời đầu tư hơn 10 tỷ đồng đào tạo, tập huấn, giúp đỡ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ công cụ thu hái an toàn, hiệu quả. Công ty cũng trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế cho hơn 1.000 ha quế và hồi. Tuy tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn, nhưng theo đánh giá của Vina Samex, việc sản xuất quế, hồi trong nước vẫn khá manh mún, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp là chưa cao.
Cũng như hai loại cây lấy dầu quế và hồi, ở nhiều nơi, LSNG đang có sự phát triển, đóng góp đáng kể về thu nhập cho người dân. Trong đó phải kể đến cây tam thất ở Hà Giang, dẻ ăn hạt ở Bắc Giang, Cao Bằng, rừng cung cấp nhựa trôm ở miền trung, sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, măng tre nứa ở Tây Bắc, Ðông Bắc, sa nhân tím ở Hòa Bình… Nhu cầu về tiêu thụ LSNG cũng được đánh giá cao cả trong nước và xuất khẩu. Do vậy, phải nhận thấy LSNG đang có thế mạnh và tiềm năng lớn, các địa phương có rừng cần đầu tư để có thể phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới. Ngành lâm nghiệp cũng đặt ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách quy hoạch và đầu tư phát triển, việc áp dụng công nghệ - khoa học, liên kết trong sản xuất, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu… Qua đó, thúc đẩy bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trong năm 2019, phát triển ổn định và bền vững trong những năm tiếp theo.
Năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản của cả nước đạt gần 9,4 tỷ USD, trong đó đóng góp của ngành gỗ đạt 8,9 tỷ USD, còn lại là các loại LSNG. Năm 2019, cả nước phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt từ 10,8 đến 11 tỷ USD, trong đó sản phẩm LSNG đạt khoảng 600 triệu USD.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|