BÌNH DƯƠNG: TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Sáng 12-10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2023.

Tham dự có ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là xung đột Nga – Ukraine làm giá dầu tăng, lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, đơn hàng sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Vốn lưu động của các doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng do khách hàng chậm thanh toán, hoặc đơn hàng đã hoàn thành nhưng khách hàng yêu cầu xuất sau thời điểm dự kiến ban đầu, làm cho doanh nghiệp tồn kho nhiều. Lãi suất vay vốn tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo, hạn mức tín dụng bị cắt giảm do tài sản đảm bảo bằng bất động sản được định giá thấp hơn, việc vay tín chấp trên phương án kinh doanh lại càng khó khăn, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có được phương án kinh doanh tốt vì không có đơn hàng xuất khẩu.


Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nêu cụ thể các khó khăn đang gặp phải và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ông Hoàng Kiều Phong - Thành viên Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng. Hầu hết các thị trường đều giảm đơn đặt hàng sản phẩm gỗ nhập khẩu, trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, từ 30% đến 40% so với đơn đặt hàng cùng kỳ năm 2021.


Ông Hoàng Kiều Phong - Thành viên Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương nêu ý kiến tại hội nghị

Theo ông Hoàng Kiều Phong, các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Bởi nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác hoặc về quê, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất, việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề. Trước tình trạng trên, ông đề nghị tỉnh hỗ trợ Hiệp hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường, đơn hàng.


Ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Đó là việc di dời các doanh nghiệp gốm sứ lên khu vực phía Bắc theo chủ trương của tỉnh. Ông Thành cho biết, đây là trăn trở của các doanh nghiệp gốm sứ, do đặc thù của nghề gốm sứ "cha truyền con nối" đã sinh sống và làm việc tại cở sở hiện tại nhiều năm, nếu di dời đến chỗ khác doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác đào tạo thợ gốm sứ, tuyển dụng nhân sự lĩnh vực gốm sứ hiện nay cũng không dễ dàng. Quy mô doanh nghiệp làm gốm hiện nay đa số là sản xuất nhỏ lẻ nên không có nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở mới. Nếu không có chính sách và định hướng cụ thể, cơ chế đặc thù riêng thì khó có thể duy trì hoạt động của các doanh nghiệp gốm sứ. Ông kiến nghị tỉnh cần xem xét, có cơ chế "ưu ái" đối với các doanh nghiệp gốm sứ nhưdoanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, PCCC thì có thể không phải di dời... Đối với doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí thì di dời. Nghiên cứu quy hoạch vùng có vị trí thuận lợi về nguyên liệu, giao thông và nhân công để di dời vào; xây dựng chính sách hỗ trợ đất đai, thuê đất, chuyển đổi công năng,... để di dời hiệu quả.

Ông Trần Thành Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh lại nêu khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Ông nhấn mạnh, "chưa bao giờ vay vốn khó như hiện nay" vì phải căn cứ vào tài sản tín chấp. Ông mong muốn ngân hàng có thể căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp để cho vay thay vì tài sản tín chấp. Đồng thời, mong lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia góp ý kiến đối với các chính sách liên quan đến doanh nghiệp.

Bà Trương Thị Thuý Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày cho biết, hiện nay, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do xung đột, sự cạnh tranh chính trị, biến đổi khí hậu… Việc hội nhập quốc tế của doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do không thuộc đối tượng hưởng chính sách; các chính sách của Nhà nước chưa thật sự phát huy được hiệu quả. Bà Liên cho rằng, để doanh nghiệp tồn tại được thì buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất, giảm bớt chi phí, do đó, Nhà nước cần hỗ trợ giảm các chi phí tuân thủ. Bà đánh giá cao chủ trương của tỉnh là di dời các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía Nam lên phía Bắc. Nhưng trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chưa thể thực hiện được do vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, kiến nghị tỉnh gia hạn thêm thời gian di dời đến năm 2030, trong thời gian gia hạn không phát sinh thêm thủ tục gia hạn.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế

Trước các khó khăn trên, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như nhận thấy tính cấp bách cần thiết phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thường xuyên trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc qua đó thường xuyên lắng nghe, chủ động nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập nhóm Zalo với cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời, phản hồi được 180/189 phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, các nội dung phản ánh, kiến nghị nhiều nhất là thủ tục hành chính; tài chính, thuế, hải quan; việc làm, lao động; đất đai, xây dựng, môi trường, PCCC.

Ngoài ra, nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đang xây dựng ứng dụng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trên ứng dụng "Bình Dương Số"; xây dựng Zalo Official Account cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua đó Zalo OA là kênh mạng xã hội chính thống nhằm triển khai rộng rãi hơn công tác nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 19/01/2023 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi để doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Trong thời điểm từ sau Covid đến nay, theo nhận định của các doanh nghiệp, hiệp hội, các doanh nghiệp, hiệp hội luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn hỗ trợ nhiều thông tin hữu ích từ UBND tỉnh và các sở, ban ngành cũng như hỗ trợ tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệp hội trong sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nắm tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trả lời về chế độ, chính sách di dời doanh nghiệp lên phía Bắc của tỉnh, bà Nguyễn Thanh Hà chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp. Bà cho biết, tỉnh sẽ cân nhắc xem xét cụ thể các chính sách và lộ trình cho phù hợp với tình hình của các doanh nghiệp; rà soát các doanh nghiệp theo các tiêu chí đưa ra để thực hiện cho phù hợp. Sở sẽ nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp di dời.


Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp

Thông tin về giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; hoạt động ngoại giao nhằm củng cố, phục hồi các thị trường xuất khẩu truyền thống (thị trường Âu – Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc...); mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu mới như: Ấn Độ, Canada, khu vực châu Mỹ; Trung Đông, Liên minh kinh tế Á-Âu,... Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư duy trì hoạt động tổ chức Hội nghị xúc tiến, tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu (định kỳ tổ chức 1 lần/ tháng) cho Hiệp hội, doanh nghiệp thông qua công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.


Ông Võ Đình Phong - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương thông tin các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vay vốn tín dụng

Đối với các kiến nghị liên quan đến việc vay vốn của doanh nghiệp, ông Võ Đình Phong - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói vay tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp cụ thể như: Thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp các ngành, lĩnh vực trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang gặp phải. Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của đại diện các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành có ý kiến trả lời, giải thích đi vào trọng tâm vấn đề, để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành phát biểu kết luận hội nghị

Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường phối hợp, trao đổi trực tiếp giữa các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính; giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ, khó khăn, vướng mắc, nhất là những việc tồn đọng kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân sẽ tiếp tục là trung tâm, là chủ thể trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới; có ý kiến góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư tăng năng suất lao động, chuyển đổi số, tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế,… để chủ động ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân toàn tỉnh cần chủ động, có những giải pháp mang tính chất dài hạn để thích nghi, chuyển đổi phương thức quản lý, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, thịnh vượng.

Nguồn: https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2023/10/965-binh-duong-tang-cuong-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-cac-doanh-nghie