Doanh nghiệp gỗ và công nghệ bắt tay nhau để xoay xở thời khó khăn

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đồ gỗ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai bắt tay với lãnh đạo FPT sau khi ký kết. Ảnh: Lê Hoàng

Cụ thể, Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM (Hawa), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với FPT nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam để giúp tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, với năng lực, kinh nghiệm các nền tảng, giải pháp công nghệ chuyển đổi số ưu việt, cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số, FPT sẽ tham gia từ chiến lược chuyển đổi số cho các Hiệp hội và các thành viên.

Bên cạnh đó, FPT cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ; góp phần số hóa các hoạt động quản trị cũng như tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của sự kiện, HAWA cũng tiến hành ký kết với một số đối tác khác trong các lĩnh vực thương mại điện tử, cung cấp công nghệ thực tế ảo (VR), showroom 3D và cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin Việt Nam.

Cụ thể, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) sẽ hỗ trợ kết nối hợp tác các hội viên của HAWA với các nền tảng Thương mại điện tử như Amazon, Wayfair , Shopify....) hoặc các trung gian bán hàng trên các nền trảng thương mại điện tử.

Đáng chú ý, Silversea Media Group (Singapore) sẽ giới thiệu các giải pháp công nghệ và thúc đẩy tiềm năng của ngành công nghệ chế biến gỗ Việt Nam, đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới và cải thiện thị trường nội địa bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến.

Ngành chế biến gỗ và nội thất với đặc thù cần các không gian có diện tích rộng để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, phục vụ thói quen “sờ tận tay, thấy tận mắt” của người tiêu dùng. Công nghệ thực tế ảo (virtual reality-VR), 3D có thể giúp khách hàng có thể tham quan showroom, nhà máy một cách trực quan từ xa.

Sự phát triển của các công cụ thương mại điện tử, nền tảng số cùng các thiết bị giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không nhất thiết cần đến mặt bằng quá rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24, xóa đi khoảng cách địa lý, tiếp cận và hiểu nhà sản xuất ở mức tốt nhất có thể, rút ngắn thời gian tiến trình đặt hàng.

Theo các doanh nghiệp, khoảng cách kinh doanh giữa trực tiếp (online) và trực tuyến (offline) được kéo giảm tạo nên sự cộng hưởng nguồn lực. Mô hình nền tảng kinh doanh từ offline đến online (O2O) hứa hẹn là nền tảng kinh doanh vững chắc giúp doanh nghiệp đồ gỗ duy trì và tăng trưởng một cách bền vững, đáng chú ý là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp này.

Đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, một doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường. Sự chuyển đổi không gian số nhanh hơn bao giờ hết, động thái tiêu dùng thay đổi liên tục, dịch bệnh,… đang tạo ra áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, cải tiến ở tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại trong đó chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi.

Nguồn:https://www.thesaigontimes.vn/300825/doanh-nghiep-go-va-cong-nghe-bat-tay-nhau-de-xoay-xo-thoi-kho-khan.html