Hỗ trợ hơn 332 tỷ đồng dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên

Trong 4 năm (2015-2018), Bộ NN&PTNT đã thực hiện nghiêm đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên với tổng kinh phí là 332,18 tỷ đồng.

Rừng tự nhiên
Rừng tự nhiên. Ảnh: TL minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình 3 năm triển khai thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên.

Báo cáo nêu rõ, từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg. Tổng kinh phí đã hỗ trợ trong 4 năm (2015-2018) là hơn 332,18 tỷ đồng. Kinh phí này cao hơn so với lợi nhuận thu được từ khai thác gỗ rừng tự nhiên của các công ty được cấp phép khai thác chính gỗ rừng tự nhiên đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương không giải quyết khai thác tận dụng sau khai thác chính... Việc khai thác tận dụng gỗ chỉ thực hiện đối với diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Bộ đã tổ chức rà soát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đến ngày 31/12/2018, đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 22 tỉnh, với 86 dự án, diện tích 1.489 ha.

Cùng với đó, trong 3 năm qua (2016 - 2018) bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 35% so với bình quân 5 năm 2011-2015, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân là 1.873 ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011 - 2015. Song song đó, diện tích rừng, độ che phủ rừng liên tục tăng, đến 31/12/2018, tổng diện tích rừng cả nước là 14.484.055 ha, độ che phủ rừng đạt 41,65%, tăng 0,46% so với năm 2016...

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng với các giải pháp trọng tâm. Cụ thể, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Bộ nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên bằng cách quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; đồng thời quan tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hoạt động công ích theo quy định của Nhà nước.

Bộ cũng kiên quyết chống chặt phá rừng trái pháp luật, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng...

Đối với các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, kéo dài, đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ để điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật./.