Mũi nhọn xuất khẩu và nỗi lo nguyên liệu

Diễn đàn:“Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” dự kiến có sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ diễn ra vào sáng ngày 22/2, tại Hà Nội.

Chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang trở thành ngành mũi nhọn, đứng thứ 6 về giá trị xuất khẩu ở nước ta hiện nay

Chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang trở thành ngành mũi nhọn, đứng thứ 6 về giá trị xuất khẩu ở nước ta hiện nay.

Nỗi lo thường trực và áp lực từ hội nhập

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Cùng với đó, xu thế hội nhập quốc tế và sự tham gia các hiệp định thương mại đặc biệt là CPTPP khiến xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời duy trì được khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Đây cũng là cơ sở để năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD, tương ứng tăng trưởng khoảng 18% so với năm 2018.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), CPTPP sẽ tác động tích cực tới ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. “Để chuẩn bị cho CPTPP, nhiều doanh nghiệp từ các nước trong khối đã sang làm việc với ngành gỗ Việt Nam. Triển vọng này khá rộng mở”, ông Quyền nói.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, ngành gỗ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó “nút thắt” lớn nhất chính là nguồn nguyên liệu. Ông Quyền cho biết, nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn mà không phải doanh nghiệp gỗ nào cũng vượt qua được.

“Năm nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường (trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á) để thu mua nguyên liệu…”, ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.

Chung nỗi lo về nguyên liệu, Công ty Hướng Mai (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nên hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao, nhưng lợi nhuận thu được rất thấp.

Xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững

Nhìn lại bước phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam có thể thấy, bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD từ năm 2005 với việc xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau 14 năm phát triển, ngành đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD.

Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.

Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản được mở rộng với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng với các mặt hàng chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

Riêng với các mặt hàng gỗ, báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam vừa được Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) công bố chiều 21/2 cho thấy, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỉ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỉ USD) so với kim ngạch năm 2017. 

Trong đó, các loại sản phẩm, dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván và đồ nội thất là các nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2018. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 78,8 triệu chiếc ghế gỗ, đạt kim ngạch 1,28 tỉ USD. Trong khi đó, lượng ghế gỗ xuất khẩu năm vừa qua chỉ bằng 93% so với năm 2017, nhưng kim ngạch tăng 14%. Đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, 4 tỉ USD trong năm 2018, tăng 6% so với kim ngạch năm 2017. 

Dăm gỗ cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ, đạt gần 10,4 triệu tấn khô (tăng 27% so năm 2017), kim ngạch xuất khẩu đạt 1,34 tỉ USD (tăng 25%). Xuất khẩu gỗ tròn của Việt Nam giảm rất mạnh trong năm 2018, khối lượng chỉ bằng 20% lượng xuất năm 2017. Xuất khẩu gỗ xẻ năm vừa qua cũng chỉ bằng 47% lượng và bằng 40% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2017. 

Năm 2018, lượng gỗ dán, gỗ ghép xuất khẩu của Việt Nam lên tới 1,95 triệu m3 sản phẩm, với kim ngạch gần 668 triệu USD, tăng 58% về lượng và 73% về kim ngạch. Ván sợi là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, với lượng xuất khẩu khoảng trên dưới 170.000 m3 sản phẩm và gần 50 triệu USD về kim ngạch. Lượng ván ghép, đồ mộc xây dựng xuất khẩu năm 2018 chỉ đạt 81% lượng xuất khẩu năm 2017, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu năm 2018 vẫn nhỉnh hơn so với kim ngạch năm 2017.

Xét về thị trường, Mỹ đã vượt lên trở thành nước tiêu thụ lớn nhất, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ đạt 3,6 tỉ USD, tăng trưởng 17% so với năm 2017.

Đứng thứ hai là Nhật Bản, kim ngạch đạt 1,1 tỉ USD trong năm 2018, tăng 13% so với năm 2017. Thị trường Trung Quốc chiếm vị trí thứ ba, với 1 tỉ USD, chiếm 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, nhưng giảm 1% so với kim ngạch năm 2017. Hàn Quốc chiếm vị trí thứ tư, với gần 938,7 triệu USD, chiếm 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 39% so với năm 2017. Thứ năm là Châu Âu (EU), kim ngạch đạt 785 triệu USD, chiếm 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 3% so với năm 2017.

Theo các chuyên gia nhận định, xu hướng thay đổi kim ngạch tại các thị trường chính cho thấy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ và Hàn Quốc liên tục tăng trưởng, trong khi vào Nhật, Trung Quốc và EU có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. 

Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng, doanh nghiệp ngành gỗ phải ứng phó nhanh trong bối cảnh hội nhập. Nói như ông Quyền, các doanh nghiệp ngành gỗ phải sử dụng tốt các hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những hỗ trợ tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhằm tận dụng những yếu tố như mặt bằng, lao động, nguồn nguyên liệu, vốn.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Sài Gòn Furniture đề xuất, Chính phủ cần áp thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu ra thị trường khác lên 30-35% như các quốc gia trong khu vực để tránh thất thoát nguồn gỗ từ rừng trồng và vườn cao su thanh lý trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cần giống cây trồng rừng chất lượng cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng chất lượng gỗ, thì mới có thể đáp ứng nhu cầu và khai thác tiềm năng của ngành gỗ và phát triển bền vững ngành công nghiệp tiềm năng này.

Nguồn: http://enternews.vn/mui-nhon-xuat-khau-va-noi-lo-nguyen-lieu-145354.html