Ngành gỗ: Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 29/8/2018 khẳng định, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam phải là ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.


Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), hiện gỗ và lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt hiện đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường tiêu thụ gỗ Việt Nam đều là thị trường lớn hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sản phẩm gỗ Việt Nam chiếm khoảng 6% thị trường đồ gỗ toàn cầu và vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu gỗ và lâm sản, vì vậy số lượng DN trong ngành này cũng rất lớn, lên đến trên 4.500, cung cấp việc làm cho hàng triệu người lao động.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng Thư ký Vifores cho rằng, tuy là ngành lớn, có nhiều lợi thế nhưng thực tế DN trong ngành vẫn gặp nhiều thách thức từ việc phần lớn phát triển từ hộ sản xuất gia đình, quy mô và máy móc sản xuất chưa được đầu tư đúng mức để làm hàng xuất khẩu. Hệ thống phân phối của DN còn yếu ngay từ khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dẫn đến việc DN chỉ sản xuất gia công cho DN ngoại, giá trị hàng sản xuất ra thấp.

Đặc biệt, ngành chế biến gỗ tuy sử dụng nhiều lao động, nhưng lao động có tay nghề cao lại ít, khi sản xuất tập trung sẽ khó đáp ứng kịp yêu cầu về số lượng lớn sản phẩm cho xuất khẩu.

Tại buổi gặp gỡ DN hội viên tháng 8/2018 của Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), ông Bùi Như Việt-Phó chủ tịch Bifa cho biết, nếu so với tổng cầu của thị trường thế giới ước khoảng 420 tỷ USD, thì ngành gỗ Việt Nam chỉ chiếm chưa quá 2%, nên tiềm năng phát triển còn rất lớn và đây chính là cơ hội của DN ngành gỗ nói chung và DN tại Bình Dương nói riêng (bởi kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chiếm đến 75% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước).

Tuy nhiên, ngoài những khó khăn vốn có, năm 2018 DN ngành chế biến gỗ còn đối mặt với thách thức khách quan mới. Đó là căng thẳng thương mại Mỹ- Trung đang xảy ra, khiến nhiều DN gỗ Trung Quốc đưa sản phẩm sang Việt Nam, “đội lốt” hàng Việt Nam rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ để tránh bị áp thuế cao.

Thực tế tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, từ trước đã có nhiều DN Trung Quốc đầu tư nhà máy trực tiếp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu hoặc đặt hàng các hộ sản xuất gia đình và công ty Việt Nam gia công để xuất khẩu. Đến nay, đã có thêm nhiều công ty của Trung Quốc dịch chuyển đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ vào Bình Dương và nhiều tỉnh thành phía Nam.

Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành (DN gỗ tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho rằng, đây là thách thức mới của ngành chế gỗ xuất khẩu Việt Nam. Nếu không nhanh chóng, kịp thời đưa ra các biện pháp phù hợp, thì ngành chế biến gỗ trong nước sẽ gặp khó ở thị trường xuất khẩu thời gian tới.

Ông Bùi Như Việt cũng cho biết, Bifa đã có quỹ đất đến 20 ha tại tỉnh Bình Dương để xây dựng một trung tâm hội chợ triển lãm mang tầm quốc tế, nhằm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành chế biến gỗ (bởi Bình Dương có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước). Đây sẽ là hình thức giới thiệu quảng bá ngành chế biến gỗ tại chỗ, để DN cả nước đều có cơ hội tham gia tiếp cận khách hàng ở thị trường khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/nganh-go-co-hoi-lon-thach-thuc-nhieu-80005.html