Sáng nay 8-3 Việt Nam tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở TP.HCM, Hà Nội và Hải Dương

Các tỉnh, thành gồm TP.HCM, Hà Nội và Hải Dương đang tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế. Ngày tiêm đầu tiên lại trùng vào Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 và điều đặc biệt người được tiêm đầu tiên đều là nữ nhân viên y tế.

Đợt đầu tiên cả nước có 21 cơ sở y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm ngừa. 

Để có ngày tiêm chủng "lịch sử" này, từ nhiều ngày trước, công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nhân sự, tập huấn, khám sàng lọc...đã được triển khai. 117.600 liều vắc xin của AstraZeneca đã lần lượt được chuyển đến các địa điểm ưu tiên tiêm chủng ở phía Bắc, bao gồm Hà Nội và Hải Dương.

TP.HCM: Vắc xin đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

Tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là đơn vị được ưu tiên tiêm vắc xin đầu tiên với 900 nhân viên y tế được tiêm. Dự kiến khoảng 8h30 sẽ hoàn tất mọi công tác kiểm tra để tiến hành tiêm cho các nhân viên y tế.

Từ 6h sáng 8-3, các nhân viên của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - đơn vị nhập khẩu vắc xin, trong bộ áo bông trùm kín đầu đã bước vào kho lạnh để chuẩn bị mang những liều vắc xin đầu tiên đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đúng thời gian quy định.

Đúng 7h10, lô vắc xin đầu tiên được chuyển từ xe của VNVC vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Việc những người được tiêm đầu tiên đều là nữ nhân viên y tế được xem là nghĩa cử nhằm tri ân những nữ nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua, và cũng là dịp để tri ân những "bóng hồng blouse trắng" nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8-3.

Trong số 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 đợt này, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (28 tuổi), công tác tại Khoa cấp cứu hồi sức tích cực - Chống độc người lớn là người được chọn tiêm vắc xin đầu tiên.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online khi vừa nhận được thông tin là người được chọn tiêm ngừa đầu tiên, bác sĩ Xuân nói: "Tôi hơi bất ngờ bởi trước đó kế hoạch tiêm buổi chiều theo thứ tự từng khoa, bởi đóng góp của mình chưa là gì so với nhiều đồng nghiệp khác. Tôi thấy khá hồi hộp không phải vì lo lắng mà là người đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng".

Trong cuộc chiến chống COVID-19, Thanh Xuân cùng với người bạn đời của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được (cùng công tác tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc người lớn) đã phải nhiều lần hoãn đám cưới để chống dịch. Nhưng với tâm thế "đều làm trong ngành y", đôi bạn trẻ này bảo đó như một thử thách để cả hai hiểu và trân trọng nhau hơn.

Trước đó ngày 7-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM kiểm tra công tác triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Theo đánh giá của ông, công tác chuẩn bị được thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

Hải Dương: Hai Trung tâm Y tế được chọn làm điểm tiêm đầu tiên 

 

Tại Hải Dương, Sở Y tế đã chọn Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành là 2 điểm đầu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào ngày 8-3, sau đó tới 10 huyện, thành phố, thị xã còn lại.

Trong sáng 8-3, tại điểm tiêm chủng Trung tâm y tế Hải Dương, dự kiến 50 người sẽ được tiêm vắc xin.

Các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin đợt này gồm nhân viên y tế đã, đang điều trị bệnh nhân COVID-19; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung; thành viên tổ truy vết, trực chốt; nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; cán bộ trực tiếp tiêm chủng vắc xin COVID-19; lực lượng quân đội; lực lượng công an; lực lượng tổ "COVID cộng đồng" tại TP Chí Linh, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, Nam Sách.

 

Bạn Nguyễn Diệu Thúy (21 tuổi, thuộc Thành đoàn Hải Dương) cho biết rất xúc động và vui mừng khi là một trong những người đầu tiên được tham gia tiêm chủng phòng dịch.

"Em cảm thấy rất vinh dự và vui mừng khi là một trong những người đầu tiên ở Hải Dương được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Dù có một chút lo lắng, hồi hộp, nhưng em sẽ cố gắng hết sức", Thúy cho biết.

Thúy cùng các bạn trẻ tại thành đoàn Hải Dương tham gia chống dịch từ những ngày đầu tháng 2-2021, khi tỉnh này liên tiếp phát hiện những ca dương tính mới với SARS-CoV2.

Những phản ứng có thể gặp sau tiêm vắc xin

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ.

Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải.

Theo các dữ liệu đến tháng 2-2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.

117.600 liều vắc xin phân bổ ra sao?

Với 117.600 liều vắc xin (nhập khẩu) hiện có sẽ có 13 tỉnh thành có dịch, 21 cơ sở y tế trực tiếp điều trị; cùng lực lượng quân đội và công an được phân bổ, triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đợt này.

Trong đó, Hải Dương 32.000 liều, Hà Nội và TP.HCM mỗi nơi 8.000 liều. 10 tỉnh thành còn lại (Quảng Ninh, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Giang, Gia Lai, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Dương...) mỗi nơi từ 1.200 liều đến 3.800 liều. Bộ Y tế cũng phân bổ cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an 30.000 liều vắc xin đợt này.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online