Việt Nam lập công xưởng gỗ thế giới

Nhắm đến con số xuất khẩu 20 tỉ USD, ngành gỗ của Việt Nam đặt tầm nhìn trở thành trung tâm sản phẩm gỗ và trang trí nội thất của thế giới.

"Có 2 kịch bản của ngành gỗ trong năm 2021: Nếu Mỹ không áp thuế phá giá đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam, dịch COVID-19 được đẩy lùi, vaccine được tiêm đại trà, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,5-15 tỉ USD. Trong trường hợp xấu hơn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 13-13,5 tỉ USD”. Đây là nhận định của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Nhận định lạc quan này được đưa ra sau khi năm 2020 Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý chỉ đứng sau Trung Quốc trong top các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Với vị thế là quốc gia đứng thứ 2 trong xuất khẩu nội thất toàn cầu trong năm 2020, Việt Nam đang là ngôi sao sáng, sự lựa chọn tiên phong của các nhà mua hàng quốc tế.

Xác lập vị thế mới 

Năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 12,37 tỉ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,53 tỉ USD, tăng 22,5%. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có trị giá tăng trong năm 2020, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là mặt hàng ghế ngồi đạt 2,67 tỉ USD, tăng 32%. Mặt hàng đồ nội thất nhà bếp tuy mới đạt 0,67 tỉ USD, nhưng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tới 83% so với năm 2019. Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường xuất khẩu gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ. Điều này minh chứng độ tinh xảo cùng với việc đảm bảo các chuẩn mực quốc tế của đồ gỗ Việt Nam ngày càng được khẳng định.

 

Trong năm 2020 xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam mở rộng chủ yếu tại thị trường Mỹ với kim ngạch đạt gần 7,17 tỉ USD. Tại thị trường này, tốc độ mở rộng của khối doanh nghiệp FDI nhanh hơn nhiều (chiếm 60%). Doanh nghiệp FDI trở thành một bộ phận quan trọng của ngành gỗ năm 2020 khi chiếm 49,35% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.

Tủ nội thất là sản phẩm chiến lược của ngành gỗ sang thị trường Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: Quý Hòa.

Theo dự báo của Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ (MBA), năm 2021 thị trường nhà ở gia đình tại Mỹ đạt khoảng 1.134.000 ngôi nhà, năm 2023 đạt 1.210.000 ngôi nhà. Thị trường nhà ở Mỹ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất tăng. Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt, nhận định, dịch COVID-19 khiến người dân Mỹ ở trong nhà nhiều hơn, họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế đồ gỗ nội thất trong nhà. Đặc biệt, thói quen tiêu dùng đồng bộ là lý do khiến tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường Mỹ sẽ tăng lên. “Thời gian qua, thương hiệu gỗ của Việt Nam tại thị trường Mỹ đã được cải thiện rõ rệt và có chỗ đứng nhất định. Người dân Mỹ sẵn sàng mua sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam, thậm chí giá cả có đắt hơn so với sản phẩm tương tự của thị trường Trung Quốc”, ông Liêm nhận xét.

Về kỳ tích xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang Mỹ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, phân tích, sản phẩm chiến lược cho sự bứt phá của ngành gỗ trong thời gian tới tại thị trường Mỹ sẽ là tủ bếp, tủ nhà tắm... Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần nhận thức lại về vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng. “Thay vì trước đây các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào làm nhiều mặt hàng, thì nay nên tập trung vào một số sản phẩm. Các doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng 70% thiết bị đang có để sản xuất, tìm giải pháp xử lý bề mặt và xử lý khâu hoàn thiện, khâu sơn sản phẩm”, ông Lập nhấn mạnh.

 

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết sẽ thành lập Chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Việc thành lập Chi hội sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang để đạt mục tiêu tạo ra mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ảnh: Quý Hòa.

Theo chia sẻ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada trong tháng 12.2020 đạt 226,22 triệu USD, tăng 29,3% so với tháng 12 năm trước. Ông Jacques Nadeau, Chủ tịch Công ty CNI, thành viên tổ chức tư vấn TFO Canada, cho biết: “Đại dịch bùng phát, một số nhà nhập khẩu nội thất của Canada đã phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong việc tìm nguồn cung ứng do nhu cầu từ phía người dùng tăng mạnh. Thách thức đối với các nhà xuất khẩu nội thất hiện nay là làm thế nào thiết lập một mạng lưới B2B bền vững thông qua kênh trực tuyến. Khi tìm đến thị trường Việt Nam, chúng tôi đã kết nối được với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) và có diễn tiến công việc thuận lợi nhờ nền tảng trực tuyến HOPE của tổ chức này”.

Ra đời từ tháng 8.2020, đến nay đã có gần 60 đơn hàng xuất khẩu thành công thông qua HOPE. Nền tảng này cũng có tổng cộng hơn 20.000 m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm đến từ 70 doanh nghiệp triển lãm, thu hút xấp xỉ 30.000 khách tham quan đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bà Vương Đình Ngọc Chi, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ Kim Mỹ Nghệ, cho biết, chi phí đầu tư cho các kênh tiếp thị và bán hàng trực tuyến chỉ bằng 1/3 so với tham dự hội chợ truyền thống. Sau 2 tháng triển khai trên HOPE, Công ty  xuất khẩu thành công 2 container đầu tiên.

 

Năm 2020 xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam mở rộng chủ yếu tại thị trường Mỹ với kim ngạch gần 7,17 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa.

Không chỉ kết nối doanh nghiệp với khách hàng, nền tảng này còn mở rộng kết nối cho các tổ chức, hiệp hội với nhau. Vì điều này mà HAWA không chỉ đơn thuần tổ chức và vận hành nền tảng mà còn đẩy mạnh hoạt động digital marketing vào các thị trường xuất khẩu chủ lực cùng với đối tác truyền thông quốc tế uy tín như Furniture Today, Mobelmarkt (Đức), TFO Canada... để tạo độ lan tỏa rộng khắp.

Ông Jacques Nadeau chia sẻ thêm: “Khảo sát gần đây của Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Canada (BDC) cho thấy, người Canada đưa ra quyết định mua hàng B2B đã hoàn thành hơn 50% quy trình quyết định mua hàng của họ bằng cách sử dụng internet và công cụ tìm kiếm trước khi nói chuyện với một người đại diện bán hàng (nhà cung cấp). Nghĩa là thói quen và nhu cầu kết nối trực tuyến của các người mua Canada đã hình thành”.

Theo thống kê của Statista Digital Market Outlook năm 2019, doanh số bán hàng online của đồ gia dụng và nội thất trên toàn thế giới là khoảng 200 tỉ USD và dự báo sẽ tăng trưởng bình quân hằng năm 10% giai đoạn 2019-2023. Thống kê một số thị trường điển hình cho thấy, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nội thất trực tuyến lớn nhất với doanh thu khoảng 80 tỉ USD, còn doanh thu ở thị trường Mỹ là 44,5 tỉ USD.

Xây thương hiệu cho gỗ việt

Lợi thế của ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam nằm ở sự linh hoạt của các nhà sản xuất, đặc biệt là khi đã xây dựng được nền tảng vững mạnh về năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại, cải thiện quản trị doanh nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm, tăng giá trị thiết kế và linh động sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Ngành gỗ Việt Nam có những doanh nghiệp lớn để cung cấp cho các kênh phân phối, khách hàng lớn trong ngành, đồng thời cũng có những đơn vị sản xuất nhỏ với khả năng linh hoạt, cung cấp đơn hàng nhỏ đặc biệt cho nhóm người mua nhỏ hơn thông qua các sàn thương mại điện tử. Đây là điểm tiên quyết để có thể chiếm lĩnh được mọi thị trường và người tiêu dùng trên thế giới.

Sau 2 tháng đầu năm, Công ty Hiệp Long (Bình Dương) đã nhận được lượng đơn hàng mới đạt 25% kế hoạch cả năm 2021. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết dù tình hình đơn hàng ngành gỗ có nhiều khởi sắc, song câu chuyện chuỗi giá trị toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố gây biến động thị trường là vấn đề doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải đối mặt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đáng mừng là kết thúc năm 2020, Công ty vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên 10% nhờ những đơn hàng nhỏ lẻ.

Thực tế, ngay từ thời điểm cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp gỗ Đông Nam Bộ đã đàm phán được những đơn hàng lớn, giá trị cao cho cả năm 2021. Đơn cử, từ đầu năm Gỗ Đức Thành (Bình Dương) đã nhận được nhiều đơn hàng với tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD. Đơn vị này cũng đã đàm phán thành công hợp đồng đầu tiên, cung cấp các loại bàn ghế trẻ em cho một khách hàng lớn ở Mỹ, trị giá trên 300.000 USD. Nếu lô hàng đạt yêu cầu, đơn vị này sẽ ký được hợp đồng tiếp theo lớn gấp 10 lần.

Hiện một số doanh nghiệp đã chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm đơn lẻ sang xuất khẩu không gian nội thất, tuy chi phí đầu tư cao, nhưng giá trị gia tăng lớn. Việc chuyển dịch xu hướng từ nhà sản xuất, chỉ chế biến, cung cấp thiết bị sang nhà sản xuất có thiết kế, mẫu mã và nắm bắt được các xu hướng thiết kế thế giới đang giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam chiếm được sự tin tưởng của thế giới. Chẳng hạn, gỗ từ cây cao su, trước kia ít được quan tâm, thì nay đã được doanh nghiệp xử lý bằng công nghệ, chế biến khoảng 4,5-5 triệu m3, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và là 1 trong 3 mặt hàng xuất khẩu chính của ngành cao su.

Thói quen tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi mạnh sau đại dịch, đồng nghĩa với khả năng bán hàng toàn cầu càng cao và xuất khẩu trực tuyến sẽ trở thành thực tế. Lúc này, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, chính thương hiệu quốc gia trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi giao dịch trực tiếp với khách hàng. Thương hiệu quốc gia chính là tập hợp thương hiệu của nhiều doanh nghiệp, sức cạnh tranh của thương hiệu quốc gia được thể hiện qua khả năng bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, ngành gỗ cần nắm bắt nhanh xu hướng kinh doanh mới để thúc đẩy thương hiệu đồ gỗ Việt Nam gắn liền với hình ảnh “Việt Nam là trung tâm sản phẩm gỗ và trang trí nội thất chất lượng cao của thế giới”.

Nhiều người trong ngành cho rằng cần xây dựng chiến lược và kế hoạch triển khai với mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược phát triển thương hiệu ngành Gỗ Việt trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó lập kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn với những mục tiêu, cách thức triển khai cụ thể. Quá trình chuyên nghiệp hóa xây dựng thương hiệu quốc gia nên có sự tham gia của các đơn vị tư vấn chuyên môn, có trình độ, kinh nghiệm và sự am tường về ngành để có thể triển khai các hoạt động bài bản.

 

Đội ngũ chuyên gia quốc tế được tuyển chọn từ các thị trường mục tiêu sẽ đóng góp vai trò quan trọng để thương hiệu gỗ Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp nhất. Trong các kế hoạch này, sự tham gia của doanh nghiệp điển hình để trở thành đại sứ thương hiệu, đại diện cho ngành gỗ là rất quan trọng ở các thị trường mục tiêu. Giá trị của thương hiệu sẽ được xây dựng bằng chính nội lực, năng lực cạnh tranh bền vững, chất lượng của các doanh nghiệp. Từ nhóm doanh nghiệp điển hình sẽ nhân rộng theo lộ trình để đạt mục tiêu về quy mô, tính đồng nhất và khả năng lan tỏa của Thương hiệu quốc gia Gỗ Việt.

Theo các chuyên gia, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu Gỗ Việt và sử dụng nhất quán trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mang sứ mệnh quảng bá ngành gỗ của Việt Nam ra quốc tế trong tất cả các hội nghị, diễn đàn, hội chợ thương mại, sự kiện ngành mang tầm vóc quốc tế... là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể gây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ. Ngành cần nguyên liệu, lao động ổn định và những chính sách, chiến lược phát triển ngành hiệu quả. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần Nhà nước hỗ trợ gián tiếp để ngành chế biến gỗ có thể vươn xa. Nếu Nhà nước hỗ trợ phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm, đó sẽ là lợi thế lớn về quảng bá Thương hiệu Gỗ Việt đến thế giới.

“Phát triển của ngành gỗ trong năm 2021 có nhiều yếu tố lạc quan. Tuy nhiên, các mối lo âu của ngành sẽ chưa thể kết thúc. Các vụ kiện, điều tra liên quan tới các cáo buộc về lẩn tránh thuế, gian lận thương mại, sử dụng gỗ bất hợp pháp sẽ tiếp tục và có xu hướng tăng. Đây là những rủi ro lớn cho ngành, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để đối phó với các điều tra này”, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends, nhận định.

Nguồn: Báo Nhịp Cầu Đầu Tư