Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đã đạt 1,4 tỷ USD

Trong tháng 2/2019, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ ước đạt 392 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 2 tháng đầu năm 2019 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018.

gỗ
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong tháng đầu năm 2019 . Ảnh: NNK

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) vừa cho biết, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong tháng đầu năm 2019 cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, với giá trị thặng dư đạt 730 triệu USD.

Trong tháng 1, các sản phẩm này tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao như Mỹ (tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2018), Đức (tăng 45,1%) và Anh (tăng 24,3%) là yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ trong 2 tháng đầu năm.

Giá trị nhập khẩu tháng 2/2019 ước đạt 104 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 355 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. 

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam hiện nay nhập khẩu gỗ từ khá nhiều thị trường. Trong đó, một số thị trường có tính rủi ro cao như Lào và Campuchia, nguồn gỗ nhập lậu từ các thị trường này rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, lượng gỗ nhập khẩu từ Campuchia đã giảm mạnh, trong tháng 1/2019 đã giảm 58,34% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương ký ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên góp phần làm giảm nhập khẩu gỗ từ Campuchia trong những tháng cuối năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu bắt nhịp các quy định của FLEGT (Thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản), điển hình là việc đảm bảo nguồn gốc gỗ nhập khẩu...

Để có sự chuẩn bị tốt hơn trong bối cảnh FLEGT có hiệu lực, Bộ NN&PTNT cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản dưới luật về định nghĩa gỗ hợp pháp và hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ; thực thi các quy định này sẽ làm sạch các chuỗi cung ứng gỗ, đảm bảo các sản phẩm gỗ của Việt Nam là hợp pháp.

Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế xác định rủi ro và xây dựng các rào cản nhằm giảm thiểu gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm bảo vệ sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.../.